Tăng huyết áp khiến nhiều người trẻ đột quỵ

P.V, icon
06:12 ngày 15/03/2024

VTV.vn - Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận 1 trường hợp bệnh nhân nam 41 tuổi có tiền sử tăng huyết áp, tuy nhiên không sử dụng thuốc.

Theo người nhà người bệnh kể lại, bệnh nhân đang nằm trên giường tự nhiên bị ngã, sau đó thấy yếu liệt nửa người trái, méo miệng, không nôn, không sốt. Sau đó, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Sau khi thăm khám và làm xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tai biến mạch máu não giờ thứ nhất.

Theo các bác sĩ, các trường hợp đột quỵ ở người trẻ phải đến cấp cứu khi đã rơi vào tình trạng đột quỵ xuất huyết não vì không biết bản thân bị tăng huyết áp hoặc chủ quan với bệnh. Nguyên nhân gây đột quỵ sớm ở người trẻ chủ yếu là do tăng huyết áp xuất phát từ thói quen sinh hoạt hàng ngày, dị dạng mạch máu não hoặc những bệnh lý di truyền (tim mạch). Đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng do chế độ ăn thiếu khoa học, lười vận động, stress.

Dấu hiệu nhận biết tăng huyết áp

Những triệu chứng của tăng huyết áp diễn ra khá âm thầm. Do vậy người bệnh phát hiện qua thăm khám sức khỏe hoặc khi bệnh đã xuất hiện biến chứng. Một số triệu chứng cảnh báo tăng huyết áp bao gồm đau đầu, chóng mặt; nóng bừng mặt, có các cơn nóng đầu, nóng mặt như bốc hỏa; hồi hộp; tức ngực; có thể hụt hơi. Những dấu hiệu này thường dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Ngoài ra, còn có một số trường hợp bệnh nhân tăng huyết áp có biểu hiện như đau nhói vùng ngực, suy giảm thị lực, thở gấp, đỏ mặt hoặc da tái xanh, nôn hoặc buồn nôn, hồi hộp, đánh trống ngực

Phòng ngừa tăng huyết áp ở người trẻ

Để phòng ngừa bệnh lý đột quỵ ở người trẻ cũng như tăng huyết áp, cần phải thay đổi thói quen, lối sống. Bởi một trong những nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ là do tăng huyết áp xuất phát từ lối sống thiếu khoa học gây ra, người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, khoa học như:

- Duy trì cân nặng hợp lý. Với những người thừa cân, béo phì cần giảm cân, những người có cân nặng bình thường thì nên cố gắng duy trì hợp lý (chỉ số BMI nên ở mức 18,5 -22,9).

- Có chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh và cân bằng. Một số thực phẩm có thể giúp kiểm soát huyết áp như rau củ quả, trái cây. Đồng thời hạn chế đồ ăn nhiều chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa, thịt đỏ... Chế độ ăn DASH là một trong những chế độ ăn giúp kiểm soát huyết áp.

- Cắt giảm muối trong khẩu phần ăn hằng ngày bằng việc hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, đóng gói.

- Duy trì tập luyện thể dục, thể thao đều đặn để kiểm soát huyết áp. Mỗi ngày nên duy trì khoảng 30-60 phút tập luyện với cường độ vừa phải, một số bộ môn được khuyến khích như đi bộ, đi xe đạp…

- Hạn chế rượu bia, thuốc lá.

- Tránh xa stress, căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày và trong công việc. Cần có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý.

Có đến 90% trường hợp bệnh nhân mắc huyết áp cao nhưng không có triệu chứng. Do vậy, mọi người nên thường xuyên đo huyết áp để nhận biết các dấu hiệu bất thường của huyết áp. Trong trường hợp huyết áp <120/80 mmHg, nên kiểm tra huyết áp 2 lần một năm từ khi 20 tuổi. Trong trường hợp huyết áp cao hơn, người bệnh nên kiểm tra huyết áp thường xuyên hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục