Thời tiết nồm ẩm kéo dài cẩn trọng với nhiều bệnh

P.V, icon
11:41 ngày 19/03/2024

VTV.vn - Miền Bắc đang ở những ngày mưa nồm khó chịu, đây là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi, gây nhiều bệnh ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Hình minh họa.

Theo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, không khí có độ ẩm quá cao sẽ tạo điều kiện cho các loại virus gây bệnh đường hô hấp, thủy đậu, sốt phát ban, sởi, rubella phát triển. Ngoài ra, giai đoạn giao mùa như hiện nay cũng là cao điểm của một số bệnh lý hô hấp, khi mắc bệnh nếu không được điều trị sớm, virus có thể đi vào phổi và gây suy hô hấp rất nhanh.

Thêm nữa, các loại nấm mốc, vi nấm phát triển rất nhanh khi trời nồm ẩm, lơ lửng trong không khí, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu… dẫn đến dị ứng, nhiễm trùng… Thời điểm này, những người có sức đề kháng kém như người già và trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh.

Một số bệnh dễ mắc khi thời tiết nồm ẩm

Bệnh thủy đậu xuất hiện các nốt nhỏ mọc khắp cơ thể, gây ra bởi virus Varicella Zoster. Thời tiết ẩm làm cho các mụn nước lây lan nhanh, khiến người bệnh ngứa ngáy, khó chịu. Bệnh không nguy hiểm nhưng cần điều trị đúng cách tránh nhiễm trùng, để lại sẹo.

Bệnh sởi thường bùng phát vào những ngày thời tiết ẩm ướt, tuy lành tính nhưng không được điều trị kịp thời lại gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn tới tử vong.

Bệnh sốt virus khá phổ biến khi thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường. Sốt virus không quá nguy hiểm, thường tự diễn biến và khỏi trong vòng 5-7 ngày, tuy nhiên, sốt virus rất dễ lây lan từ người bệnh sang cộng đồng, đặc biệt là những người tiếp xúc gần trong gia đình hoặc môi trường làm việc.

Ngoài ra, một số bệnh lý phát tán mạnh trong không khí có độ ẩm cao có thể kể đến như viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng hay bệnh về da liễu như viêm da, dị ứng hoặc đau mắt đỏ, tiêu chảy cấp khi ăn thức ăn bảo quản không đúng cách.

Biện pháp phòng bệnh khi thời tiết nồm ẩm

Để phòng bệnh trong mùa nồm ẩm, cách tốt nhất là cần giải phải giữ gìn vệ sinh môi trường sống và nâng cao sức đề kháng của cơ thể:

- Làm sạch và thông thoáng không gian trong nhà bằng cách sử dụng điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm, dùng khăn khô lau sàn, duy trì độ ẩm không khí ở mức 40-60% là tốt nhất. Hạn chế mở cửa để ngăn không khí ẩm nồm vào nhà. Lưu ý sàn nhà là nơi đọng nhiều nước, trơn trượt dễ ngã, các gia đình có người già và trẻ nhỏ cần cẩn trọng.

- Vệ sinh thân thể thường xuyên, giữ ấm cơ thể khi ra ngoài, dùng bàn là, máy sấy quần áo khô hẳn trước khi mặc để tránh nấm mốc và các bệnh ngoài da.

- Để đảm bảo sức khoẻ, người dân cần có chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng và đầy đủ các dưỡng chất, vi chất, vitamin cần thiết, kết hợp tập thể dục nâng cao sức đề kháng.

Người có bệnh mạn tính cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, khi thấy biểu hiện bất thường, không tự ý sử dụng thuốc và cần liên hệ ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục