Tinh hoàn ẩn trong ổ bụng - Bệnh lý nguy hiểm cần phẫu thuật sớm

Linh Chi, icon
10:40 ngày 30/07/2020

VTV.vn - Các bác sĩ khoa Ngoại nhi Tổng hợp, Trung tâm Sản Nhi (Phú Thọ) vừa thực hiện phẫu thuật nội soi hạ tinh hoàn thành công cho một bé trai 7 tuổi ở Phú Thọ.

Bệnh nhi được phát hiện tình trạng ẩn tinh hoàn từ lâu nhưng do tâm lý chủ quan nên gia đình không đưa bé đi khám. Khi được tiếp nhận vào Trung tâm Sản Nhi, bệnh nhi đã lên 7 tuổi, tinh hoàn bên phải không sờ thấy trong bìu và trong ống bẹn mà lạc sâu trong ổ bụng.

Sau khi được làm các xét nghiệm, chụp chiếu, các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp ẩn tinh hoàn dạng không sờ thấy được, kích thước tinh hoàn ẩn nhỏ hơn nhiều so với tinh hoàn bên phía đối diện và chỉ định phẫu thuật nội soi hạ tinh hoàn cho bệnh nhi.

ThS.BS Nguyễn Đức Lân, Trưởng Khoa Ngoại nhi Tổng hợp cho biết: Đây là một ca phẫu thuật tương đối khó khăn do tinh hoàn lạc sâu trong ổ bụng, các mạch máu tinh hoàn rất ngắn. Các bác sĩ đã thực hiện giải phóng mạch máu và ống dẫn tinh tối đa để hạ được tinh hoàn xuống cố định ở gốc bìu. Trong suốt quá trình phẫu thuật, các bác sĩ cũng nỗ lực bảo tồn mạch máu và ống dẫn tinh để đảm bảo tinh hoàn vẫn có chức năng hoạt động tốt sau khi được hạ xuống.

Đối với trường hợp bệnh nhi này, tinh hoàn lạc sâu trong ổ bụng, các mạch máu tinh hoàn rất ngắn nên phải thực hiện phẫu thuật làm 2 thì. Theo đó, các bác sĩ sẽ thực hiện hạ tinh hoàn xuống cố định ở vùng bẹn trong thì 1. Sau đó khoảng 6 tháng sẽ tiếp tục phẫu thuật hạ tinh hoàn xuống cố định ở bìu (phẫu thuật thì 2) để đảm bảo an toàn cho bệnh nhi.

Sau phẫu thuật 2 ngày, toàn trạng bệnh nhi ổn định và được cho xuất viện.

Theo ThS.BS Nguyễn Đức Lân, tinh hoàn có thể tự xuống bìu trong những tháng đầu sau sinh (thường trong 3 tháng đầu), sau đó tỉ lệ này giảm dần và còn rất thấp. Do đó cần thực hiện phẫu thuật đưa tinh hoàn bị ẩn xuống cố định lại vị trí bình thường ở bìu.

Phẫu thuật nội soi hạ tinh hoàn được chỉ định trong các trường hợp tinh hoàn lạc sâu trong ổ bụng. Hiện nay, với sự phát triển của kỹ thuật gây mê hồi sức kết hợp với hệ thống trang thiết bị hiện đại tại Trung tâm Sản Nhi, khoa Ngoại nhi Tổng hợp đã thực hiện phẫu thuật thành công cho rất nhiều trường hợp tinh hoàn ẩn ở trẻ. Hầu hết các trường hợp được phẫu thuật nội soi đều hồi phục rất nhanh, ít đau đớn và được ra viện chỉ sau 2-3 ngày.

ThS.BS Nguyễn Đức Lân khuyến cáo: Phẫu thuật hạ tinh hoàn ẩn cần được tiến hành càng sớm càng tốt, thời điểm phẫu thuật phù hợp là từ 13 -18 tháng. Đối với các trường hợp có tinh hoàn duy nhất phải xem xét phẫu thuật ở thời điểm sớm hơn, có thể từ khi trẻ 6 tháng đến 1 tuổi. Bởi từ sau 1 tuổi, tinh hoàn ẩn không thể tự di chuyển xuống bìu được mà bắt đầu có sự thay đổi về cấu trúc và chức năng theo hướng xấu đi. Tinh hoàn sẽ bắt đầu teo đi và có thể xuất hiện các biến chứng như xoắn tinh hoàn, ung thư hóa và vô sinh nam đối với trường hợp tinh hoàn ẩn hai bên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục