Cụ ông 90 tuổi còng lưng nuôi vợ

Văn Quân-Thứ ba, ngày 22/10/2013 22:03 GMT+7

Hơn 60 năm trước trên cánh đồng Bương Cấn của xứ Đoài mây trắng, ông ngày ngày mò cua bắt tép để nuôi vợ và bảy đứa con thơ dại…

60 mươi năm sau, vẫn người đàn ông ấy ngụp lặn trên từng bờ mương ruộng lúa kiếm từng con tôm cái tép để chăm người vợ năm nay đã chớm vào tuổi tám mươi. Người đã tạc vào đời một câu chuyện về nghĩa vợ chồng đẹp như cổ tích ấy là cụ Nguyễn Văn Quý thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Nội…

‘ Cụ Nguyễn Văn Quý

Tận khổ

Đã gần 90 tuổi, nước thời gian đã vẽ vào khuôn mặt của vợ chồng cụ Nguyễn Văn Quý và Nguyễn Thị Chén nhiều nét chân chim khắc khổ. "Cả đời chúng tôi nào đã có được ngày nào sung sướng...", ề à bằng giọng nói của người đã có tuổi, cụ Quý kể câu chuyện cuộc đời mình.

Sinh ra trong một gia đình mà cả bố mẹ đều hoạt động cách mạng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, khi còn đỏ hỏn, hai vợ chồng đã phải bỏ lại đứa con trai để lên vùng rừng xanh núi đỏ tham gia kháng chiến. "Năm 1954, tôi xây dựng gia đình với cô gái ở bên Ba Trại cách làng mình không xa và là người vợ của tôi bây giờ. Cũng là cảnh nghèo với nhau nên dễ hiểu và đồng cảm, chẳng cẩn mai mối". Trở thành vợ chồng trong thời gian ngắn nhưng tháng ngày sống bên nhau thì lâu dài, cụ Quý cảm thán nói vậy. Bản thân cụ bảo, khi nào cụ cũng có cảm giác chưa làm tròn chức phận của một người chồng. Chẳng phải cụ đối xử thậm tệ gì với vợ mình mà đơn giản, bản thân cụ xuất thân từ tầng lớp bần cố nông, gánh thêm cuộc đời bà làm bà cũng phải khổ thêm.

"Nói chẳng ai tin nhưng chúng tôi chưa có một lần có được một bữa ăn đầy đủ để gọi là ngon. Lúc khoai sắn, lúc củ mài củ nâu đào từ rừng về và thi thoảng, đôi ba mớ tôm cái tép tôi cất vó được mà trang trải cho từng ngày. Lo được ngày hôm nay, cũng không biết ngày hôm sau sẽ ra sao nữa…". Và cụ Quý bảo, như một lẽ thường ở đời, càng nghèo khổ, thì cái sự sinh con đẻ cái càng… ác liệt. Theo năm tháng, hai cụ có với nhau 7 mặt con. Cứ tưởng, những "của để dành" này sẽ là cái phúc cho ngày sau nhưng không phải, gạt những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt nhăn nheo, cụ Quý bảo đôi khi cụ cứ nghĩ không biết kiếp trước mình ăn ở ra sao mà kiếp này cụ lại gặp những nỗi cơ cực lớn đến như vậy.

Đôi vợ chồng già nương tựa vào nhau

Ở trọ trần gian

Thời đói kém, việc hai vợ chồng cụ Nguyễn Văn Quý và Nguyễn Thị Chén mò cua bắt ốc, nhịn ăn nhịn mặc để nuôi bảy đứa con, bây giờ trong cái thôn Đồng Lư này vẫn còn nhiều nhắc nhớ. "Con ai người ấy xót, chúng tôi coi như việc ấy là bình thường thôi, may mắn sao bảy đứa đều khôn lớn khỏe mảnh và tự lo liệu được cho cuộc đời của mình". Nhưng cuộc đời có ai đoán được chữ ngờ, khi dành dụm được chút chút để cất mái nhà để ở, chỉ một thời gian sau người con trai cả đã nhẫn tâm đuổi cả hai cụ ra khỏi nhà và sáu người em còn lại cũng không… chịu thua gì người anh cả. Vợ chồng cụ Quý dắt díu nhau đến ở nhờ nhà của từng người con nhưng được vài ngày, họ đều lần lượt hắt hủi bố mẹ với lời đe dọa: "Ông bà muốn đi đâu thì thì đi, sống ở đâu thì sống".

Đó là câu chuyện đã lâu rồi, cách đây hơn mười năm. Cụ Quý cụ Chén bàng hoàng, dân làng Đồng Lư bàng hoàng. Nhưng chẳng có một cách xử lí thấu đáo nào, kể cả chính quyền địa phương. Đó là câu chuyện của đạo đức, của lương tâm và lương tri con người thì không một ai có thể phận định rạch ròi được. Hàng xóm láng giềng thương cảm, người cho cái niêu cái bát, người cho cái màn tấm chăn, trong một đêm mưa trắng trời Đồng Lư, hai cụ dắt díu nhau ra trú chân tại chân cầu bê tông của xã. Mở cầu cho một nỗi đoạn trường mà nói không quá rằng, trần gian quả là rất hiếm gặp.

Một tay dắt vợ, một tay khoác ba túi rác (lời của cụ Quý bởi cụ vẫn nhớ như in rằng đó là những phế phẩm mà các cụ có thể mang đi) hai vợ chồng già bắt đầu xây dựng một cuộc sống mới khi mà cả hai đều đã bước vào cái tuổi thất thập cổ lai hi từ lâu. Ở dưới chân cầu bê tông ngay đường vào xã, cụ Quý bảo cũng thông thoáng nhưng đó là vào mùa hè thôi, chứ mùa đông thì không thể chịu đựng nổi cái lạnh tê tái của mùa đông xứ Bắc này. Được đâu hơn một năm, các cụ cao tuổi trong làng đã tìm cách cho hai cụ vào ở nhờ gian nhà 10m vuông nằm ngay trong khuôn viên của đình làng.

"Chỉ tội cho bà ấy, gần tám mươi tuổi mà bệnh tật thì đầy mình". Đôi mắt của cụ Chén, vì quá cay đắng tủi cực đã khóc đến mức bây giờ bị mờ hẳn, nhìn không rõ ban đêm hay ban ngày. Cụ bảo, bây giờ đêm hay ngày cụ cũng chỉ nhìn thấy lờ mờ và quan trọng hơn, căn bệnh dạ dày, dây thần kinh bị chèn, khớp… thì mấy năm nay, càng trở trời càng đau dữ dội.

Cả làng Đồng Lư này vẫn chưa thể quên hình ảnh người đàn ông đã gần 90 tuổi, đội mưa giữa đêm khuya khoắt mò mẫm vào núi Đồng Lư cách đó ba cây số để cắt thuốc nam chữa dạ dày cho vợ. Chuyện đó diễn ra hàng tháng. Cụ Quý bảo, với từng ấy căn bệnh của cụ bà, bây giờ nhắm mắt lại cụ vẫn có thể đi bộ lên núi Đồng Lư, vào nhà cụ lang bốc thuốc mà không hề nhầm lẫn một tí nào. Không làm thì không có gì để ăn, đó là một thực tế với hai vợ chồng cụ. Chính vì vậy mà ở tuổi này, hai vợ chồng cụ vẫn nhận hơn 1 sào ruộng để sống qua ngày. "Và không thể thiếu cái này nữa…" chỉ tay về phía góc bếp nơi có bộ chài lưới đã cũ nát, cụ Quý hóm hỉnh bảo đó là "cần câu cơm" đúng nghĩa đen của cụ.

Ngày ngày, khắp đồng trên xóm dưới, bước chân cụ vẫn thập thững từng bước để kiếm vài con tôm tép về nuôi sống người vợ già. Cụ Quý bảo thêm, cứ phải nghĩ đủ để mà sống, chứ ở tuổi này mà còn phải lo nghĩ về miếng ăn nhiều quá thì cơ cực lắm, miễn là hai vợ chồng khỏe mạnh cũng đã là cái phúc lớn nhất rồi. Chia tay, tôi hỏi cụ bây giờ cụ có mong ước gì thì cụ bảo cụ chẳng mong muốn gì hơn ngoài sức khỏe, sức khỏe để cáng đáng cuộc sống hàng ngày và quan trong hơn là còn có thể chăm sóc cho cụ bà được trọn vẹn hơn. "Ông trời đã thử thách chúng tôi trọn vẹn kiếp này rồi, bây giờ tôi cũng chẳng trông mong hay chờ đợi gì nhiều. Ở tuổi này ông trời gọi lúc nào thì dạ lúc ấy thôi…", trong chiều muộn cụ nói với tôi những lời ấy nhẹ như gió thoảng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước