Chủ trương “thịnh vượng chung” ở Trung Quốc mang ý nghĩa gì?

Anh Quang-Thứ hai, ngày 13/09/2021 12:26 GMT+7

Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ thúc đẩy “sự thịnh vượng chung” và ông đang yêu cầu các doanh nghiệp và doanh nhân đóng góp nhiều hơn cho xã hội - Ảnh: AP

VTV.vn - Khái niệm “thịnh vượng chung” đang là từ khóa nóng nhất hiện nay trong giới chính trị và kinh doanh ở Trung Quốc.

Bốn thập kỷ trước, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng tuyên bố rằng nước này sẽ "để một số người làm giàu trước" trong cuộc chạy đua tăng trưởng. Giờ đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại đang gửi lời cảnh báo đến giới siêu giàu Trung Quốc rằng đã đến lúc họ phải chia sẻ của cải, sự thịnh vượng có được với các tầng lớp khác.

"Thịnh vượng chung"

Vào ngày 17/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Trung ương Tập Cận Bình đã chủ trì Hội nghị lần thứ 10 của Ủy ban Kinh tế - Tài chính Trung ương.

Tại đây, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh "thịnh vượng chung" là yêu cầu bản chất của chủ nghĩa xã hội, cần thúc đẩy sự thịnh vượng chung trong phát triển chất lượng cao; tính toán tổng thể làm tốt công tác phòng ngừa và hóa giải rủi ro tài chính nghiêm trọng. Chủ tịch Trung Quốc đã cam kết đến năm 2035, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc tương đương với các nước phát triển vừa phải.

Trước đó, Hội nghị Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối tháng 10/2020 đã lần đầu tiên đề ra tầm nhìn "toàn thể nhân dân thịnh vượng chung, thu được tiến triển mang tính thực chất rõ nét hơn".

Đến ngày 3/11/2020, Trung Quốc lần đầu tiên nhấn mạnh "thúc đẩy vững chắc thịnh vượng chung", đồng thời đề ra một loạt "gói chính sách" trong lĩnh vực phân phối thu nhập.

Ngày 26/8, ông Hàn Văn Tú, quan chức tại Ủy ban Kinh tế - Tài chính Trung ương, giải thích cho báo chí rằng lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình không có nghĩa là "lấy của nhà giàu để giúp đỡ người nghèo" mà cần được hiểu là những người "làm giàu trước" nên giúp đỡ những người đi sau.

Theo hãng truyền thông Bloomberg, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến việc tái phân phối của cải tại Trung Quốc và đề cập đến mục tiêu "thịnh vượng chung" ít nhất 65 lần trong các bài phát biểu và cuộc họp trong năm nay.

Chênh lệch giàu nghèo tăng cao

Giới chức Trung Quốc đã cam kết giảm chi phí học tập, nhà ở và chăm sóc sức khỏe, duy trì sự đồng đều giữa nông thôn và thành thị, đồng thời nâng cao thu nhập cho người lao động phổ thông, giúp nhiều người có thể gia nhập tầng lớp trung lưu.

Chủ trương “thịnh vượng chung” ở Trung Quốc mang ý nghĩa gì? - Ảnh 1.

Người dân Trung Quốc mong muốn giá nhà giảm và nguồn cung tăng ở bên ngoài các thành phố lớn - Ảnh: New York Times

Song tăng trưởng kinh tế chững lại khiến những công việc văn phòng được trả lương cao rất khó kiếm. Trong khi đó, nhân viên văn phòng tại các tập đoàn công nghệ thường xuyên phàn nàn bị kiệt sức sau nhiều giờ làm việc. Nhiều gia đình cảm thấy họ không đủ khả năng sinh thêm con, và điều này trực tiếp làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng nhân khẩu học tại quốc gia tỷ dân.

Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh trước các quan chức cấp cao nước trong một bài phát biểu hồi tháng 1: "Đạt được sự thịnh vượng chung không chỉ là một vấn đề kinh tế, mà đó là một vấn đề chính trị quan trọng dựa trên nền tảng của Đảng trong việc lãnh đạo đất nước. Chúng ta không thể để một hố sâu ngăn cách người giàu và người nghèo xuất hiện".

Theo Viện Nghiên cứu Credit Suisse, giới siêu giàu hiện chiếm 1% dân số Trung Quốc nhưng lại sở hữu gần 31% tài sản của cả nước, tăng đáng kể so với mức 21% vào năm 2000.

Việc nhiều người dân Trung Quốc có khả năng chi tiêu sẽ giúp nước này thúc đẩy nền kinh tế phát triển, và giảm sự phụ thuộc vào vốn đầu tư và hoạt động sản xuất của phương Tây, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng mới của đất nước.

Ông Christopher Johnson, nhà phân tích chính trị Trung Quốc, nhận định trên tờ New York Times rằng: "Ông Tập coi việc cải thiện tình trạng bất bình đẳng trong thu nhập và chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc là việc làm vô cùng quan trọng trong cuộc cạnh tranh với Mỹ và phương Tây nói chung".

Bài kiểm tra áp lực

Mặc dù các chính sách được chính quyền nhà nước áp dụng rất có sức nặng, nhưng một số thay đổi có thể sẽ là tương đối nhạy cảm. Nếu chính phủ Trung Quốc thúc đẩy các biện pháp áp dụng thuế tài sản và thuế tài sản thừa kế nhằm vào người giàu, đây sẽ là bài kiểm tra áp lực thực sự.

Những chính sách như vậy có thể sẽ gặp phải rất nhiều thách thức, bởi tầng lớp tinh hoa có mối liên kết trực tiếp với chính quyền, và bên cạnh đó những người Trung Quốc đã mua nhà như một khoản đầu tư dài hạn cũng sẽ phản ứng quyết liệt.

Chủ trương “thịnh vượng chung” ở Trung Quốc mang ý nghĩa gì? - Ảnh 2.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói rằng đất nước phải đạt được “tiến bộ đáng kể” để đạt được “sự thịnh vượng chung” vào năm 2035 - Ảnh: AP

Phạm vi mà Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi thúc đẩy công bằng, bình đẳng xã hội hiện đang được tranh luận rất nhiều. Nhiều quan chức cho rằng những thay đổi nên được triển khai dần dần, từng bước một, và tìm cách trấn an các doanh nghiệp rằng tài sản có được một cách hợp pháp của họ vẫn sẽ được an toàn.

Vào những năm 1950, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã từng sử dụng khái niệm "thịnh vượng chung" trong cuộc Đại nhảy vọt.

Đến những năm 1980, Đặng Tiểu Bình cho rằng Trung Quốc nên để một số người làm giàu trước để phát triển nền kinh tế, và cho rằng "sự thịnh vượng chung" là mục tiêu cuối cùng.

Và khái niệm này một lần nữa được Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc lại, nhưng cũng tránh khơi dậy những kỳ vọng về sự chuyển biến nhanh chóng sẽ diễn ra trong một sớm một chiều.

Thế nhưng, các bài viết kêu gọi thúc đẩy sự giàu có đồng đều giữa các tầng lớp xã hội đã liên tục được chia sẻ rộng rãi trong những tuần qua trên các tờ báo trong nước.

Bài xã luận trên Tân Hoa Xã mới đây viết: "Những thay đổi này sẽ giải quyết được những vấn đề còn tồn tại, thị trường vốn sẽ không còn là thiên đường nơi các nhà tư bản có thể kiếm tiền chỉ sau một đêm. Đây là một sự chuyển biến về mặt chính trị".

Chiết Giang được lựa chọn là nơi thí điểm

Chiết Giang đã được chọn làm tỉnh thí điểm chủ trương này. Đây được xem như một cuộc thử nghiệm đối với chủ trương của Chủ tịch Tập Cận Bình về "sự thịnh vượng chung".

Đây là nơi sản sinh ra các "đại gia" công nghệ của Trung Quốc, là nơi đã đạt được sự phát triển kinh tế tự chủ mà không phụ thuộc vào các công ty nhà nước hoặc các cơ quan hành chính.

Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc Alibaba có trụ sở chính đặt tại thành phố Hàng Châu thuộc Chiết Giang. Theo thống kê từ Hurun Report, công ty chuyên theo dõi giới giàu có ở Trung Quốc, 1/6 tỷ phú của quốc gia này cũng xuất thân từ tỉnh này.

Chính quyền tỉnh Chiết Giang mới đây cũng đã công bố một bản kế hoạch dài 52 trang để đạt được mục tiêu về "sự thịnh vượng chung". Theo đó, đến năm 2025, thu nhập khả dụng trung bình của mỗi người dân tại đây sẽ phải đạt khoảng 11.500 USD, cao hơn 40% so với mức hiện tại.

Giáo sư kinh tế Li Shi tại Đại học Chiết Giang cho biết tỉnh này có thể thúc đẩy việc thương lượng tập thể để người lao động có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các cuộc đàm phán thu nhập. Giáo sư Li cho biết tỉnh cũng có thể thúc đẩy các chính sách chia sẻ lợi nhuận cho công nhân trong công ty.

Chủ trương “thịnh vượng chung” ở Trung Quốc mang ý nghĩa gì? - Ảnh 3.

Khoảng cách về thu nhập của người dân tại thủ phủ Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang vẫn còn rất chênh lệch - Ảnh: Reuters

Chị Nancy Sun, một lập trình viên phần mềm làm việc ở thành phố Hàng Châu, cho biết: "Có quá nhiều áp lực đè nặng lên tầng lớp trung lưu".

Chị Sun đang chuẩn bị kết hôn và có thể có hai đứa con, nhưng cảm thấy lo ngại vì chi phí nhà ở và học hành. Chị chia sẻ: "Áp lực kinh tế là quá lớn. Mỗi gia đình có ít nhất 4 người già và 2-3 đứa trẻ".

Trong kế hoạch được công bố, tỉnh Chiết Giang đặt mục tiêu giảm chi phí nuôi dưỡng trẻ nhỏ và nhà ở để giảm thiểu gánh nặng cho người dân. Kế hoạch này cũng xác định cần điều chỉnh lại mức thu nhập và thúc đẩy hoạt động từ thiện, qua đó thể hiện rằng tầm nhìn chia sẻ của cải của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không kìm hãm hoạt động kinh doanh tư nhân.

Cuộc chạy đua ủng hộ chủ chương chia sẻ của cải đã bắt đầu diễn ra. Tỷ phú Jack Ma, người đồng sáng lập Alibaba và là một trong những người giàu nhất Trung Quốc, cho biết trong lần xuất hiện trước công chúng vào tháng 1, rằng "trách nhiệm và nghĩa vụ" của các doanh nhân là phấn đấu vì "sự thịnh vượng chung".

Chủ trương “thịnh vượng chung” ở Trung Quốc mang ý nghĩa gì? - Ảnh 4.

Tỷ phú Trung Quốc Jack Ma (phải) và Pony Ma (trái) cam kết hàng tỷ USD tiền làm từ thiện

Tuần trước, Alibaba cũng đã tuyên bố sẽ đầu tư 15,5 tỷ USD vào các dự án "thịnh vượng chung", bao gồm chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại khu vực nông thôn và chi trả bảo hiểm cho nhóm nhân viên giao hàng.

Ngoài ra, Tencent - công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc - cho biết họ cũng sẽ chi 15,5 tỷ USD cho các chương trình bảo trợ xã hội. Ông Wang Xing, tỷ phú sáng lập Meituan – ứng dụng giao đồ ăn, từng là đối tượng trong một cuộc điều tra, cũng đã quyên góp hơn 2 tỷ USD giá trị cổ phiếu cho quỹ từ thiện của mình.

Tuy nhiên, các động thái nêu trên của chính quyền Trung Quốc cũng khiến một số nhà đầu tư lo ngại về sự can thiệp sâu của nhà nước vào hoạt động tư nhân.

Giáo sư kinh tế tại Đại học Chiết Giang Li Shi cho biết: "Việc yêu cầu những người giàu có đóng góp vai trò lớn hơn không phải là chuyện lấy của người giàu để chia cho người nghèo". Ông chỉ ra rằng những thay đổi cần được tính toán kỹ càng và đảm bảo tính ổn định. Ông nói thêm: "Tất cả mọi lĩnh vực đều phải tránh việc xa rời với thực tế khi triển khai".

Ngay cả ở những khu vực tương đối giàu có, một số người cho rằng đã đến lúc phải dàn trải chi tiêu công đồng đều hơn và cung cấp thêm nhiều trường học và giường bệnh viện bên ngoài các thành phố lớn.

Chị Yuan Jiameng, một người gốc Chiết Giang làm việc tại Bắc Kinh, cho biết: "Các bác sĩ giỏi nhất đều tập trung ở Thượng Hải và Bắc Kinh". Đây là trải nghiệm gần đây của chị trong khi tìm cách điều trị bệnh dạ dày cho cha mình.

Đối với chị Yuan Jiameng, khái niệm "thịnh vượng chung" vẫn còn xa vời. Chị cho hay: "Trong cuộc sống thực, chúng không phải là những từ mà chúng tôi sử dụng nhiều".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước