Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đối mặt nguy cơ bị phạt

Theo Mai Hoa (Hà Nội Mới)Cập nhật 11:26 ngày 25/04/2013

 Với việc hai VĐV không tham dự Giải Điền kinh Grand Prix Châu Á 2013, Việt Nam sẽ chỉ có một VĐV duy nhất dự giải đấu có sự góp mặt của các VĐV hàng đầu châu lục này là Đỗ Thị Thảo (chạy 800m).

Liên quan đến việc này, không chỉ đối mặt nguy cơ bị phạt, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam còn khó tránh khỏi bị ảnh hưởng về uy tín trong mối quan hệ với Hiệp hội Điền kinh châu Á.

Thông tin "nóng" trong sáng 24/4 chính là chuyện hai VĐV hàng đầu của điền kinh Việt Nam là Vũ Thị Hương và Dương Thị Việt Anh không tham dự Giải Điền kinh Grand Prix Châu Á 2013. Đáng quan tâm, bởi đây là một cơ hội cọ xát đỉnh cao rất quý với VĐV trong quá trình chuẩn bị cho các giải đấu lớn. Vả lại, đây là lần thứ hai liên tiếp điền kinh Việt Nam rút số người tham dự giải này.

‘ VĐV Vũ Thị Hương. (Ảnh: Hà Nội Mới)

Trước đó, Việt Nam có đến 6 VĐV đủ tiêu chuẩn dự giải, bao gồm Vũ Thị Hương (100m), Quách Thị Lan (400m), Đỗ Thị Thảo (800m), Dương Thị Việt Anh (nhảy cao), Nguyễn Văn Lai (5.000m) và Nguyễn Văn Hùng (nhảy 3 bước). Tuy nhiên, do thiếu kinh phí và lý do đây là sân chơi quá tầm, số lượng VĐV được cử tham dự bị rút xuống còn 3 người, bao gồm Hương,Việt Anh và Thảo.

Nhưng nay, lại thêm 2 VĐV rút khỏi danh sách. Vì sao vậy? Trả lời phóng viên Báo Hànộimới, Trưởng bộ môn Điền kinh Việt Nam Dương Đức Thủy cho biết: "Cả Hương và Việt Anh đều bị chấn thương, không bảo đảm thể lực để tham dự giải. Bàn về chuyện này, Phó TTK, Chánh văn phòng Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Văn Hùng bày tỏ: "Từ 6 rút xuống 3 đã là chuyện "cực chẳng đã", nay lại tiếp tục rút xuống, chỉ còn 1 VĐV dự giải! Nguy cơ bị phạt đã đành, nhưng ngại nhất là uy tín và mối quan hệ quốc tế của Liên đoàn sẽ phần nào bị ảnh hưởng".

Nói rõ hơn về chuyện không để Hương và Việt Anh dự giải, ông Dương Đức Thủy phân tích: Thứ nhất, đây là một giải đỉnh cao quốc tế, nhưng là giải mời, VĐV thi đấu lấy tiền giải thưởng. Tại 3 chặng trong hệ thống thi đấu tại Grand Prix Châu Á năm nay, BTC chỉ lo chi phí ăn, ở cho các VĐV, không lo các khoản đi lại và di chuyển. Một khi đã biết VĐV của ta không bảo đảm thể lực, dù có tham dự cũng chẳng có giải, vậy thì đi để tốn kinh phí Nhà nước?!

Thứ hai, giả thiết là Liên đoàn bị phạt, theo lệ thường, mỗi VĐV vắng mặt bị phạt 1.000 USD. Với 2 VĐV không dự giải, cộng thêm 1 HLV đi cùng, tức là ta vắng tất cả 3 người, bị phạt khoảng 3.000 USD. Trong khi đó, chi phí di chuyển, đi lại ta phải chi ra nếu đi cả 3 VĐV (cùng HLV), chắc chắn phải vượt con số 5.000 USD. Nếu xét về tính hiệu quả, có lẽ chịu nộp phạt sẽ hợp lý hơn".

Phân tích của ông Thủy rõ ràng không sai về mặt chuyên môn, bởi suy cho cùng, đã là giải mời thì ta có thể tham dự, hoặc không, nhất là khi liên quan đến cái khó về kinh phí. Vả lại, đích đến quan trọng nhất của các VĐV trong năm nay vẫn là Giải VĐ Châu Á và SEA Games 27.

Tuy nhiên, dù gì thì việc bỏ lỡ cơ hội tranh tài cùng các VĐV hàng đầu châu lục cũng là rất thiệt thòi đối với các VĐV. Việc Liên đoàn đối diện nguy cơ bị phạt tiền, ảnh hưởng uy tín cũng là rất đáng tiếc. Trong chuyện này, có yếu tố không may (VĐV bị chấn thương). Nhưng mặt khác, không thể không đặt dấu hỏi về sự phối hợp giữa các bên (Liên đoàn, bộ môn, HLV) trong việc bàn bạc, lựa chọn người dự giải, cũng như việc quan tâm hơn đến giáo án, chu kỳ huấn luyện của HLV đối với các VĐV trọng điểm. Một bài học đắt giá!

Tổng hợp: Vòng chung kết EURO 2016
1 1 1