Hành lang kinh tế với Pakistan góp phần đưa Trung Quốc thành cường quốc thế giới

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 26/04/2015 14:21 GMT+7

TS Hoàng Anh Tuấn trong chương trình Toàn cảnh thế giới.

VTV.vn - Đó là nhận định của TS Hoàng Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, thuộc Bộ Ngoại Việt Nam khi đề cập tới hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan.

Từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nhậm chức, Trung Quốc đã có những thay đổi rõ nét trong chính sách đối ngoại, chuyển từ trọng tâm quan hệ với các cường quốc sang phát triển quan hệ ngoại giao với các quốc gia láng giềng châu Á. Điều này được cho là sẽ tạo ra những hệ quả đáng kể đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đầu năm nay, Trung Quốc khẳng định ưu tiên đối ngoại hàng đầu trong năm sẽ là phát triển "con đường tơ lụa" về kinh tế cũng như hàng hải, giúp nước này mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Trong chuyến thăm đầu tiên tới Pakistan trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã mang theo gói đầu tư khổng lồ lên tới 46 tỷ USD. Đây được coi là cơ hội phát triển mang tính lịch sử cho Pakistan. Đối với Trung Quốc, cái gật đầu từ phía Pakistan đã mở toang cánh cửa tiến ra Ấn Độ Dương để thúc đẩy thương mại với châu Âu, châu Phi và Trung Đông, đồng thời giúp Bắc Kinh nuôi tham vọng hướng Tây trong chính sách "Một vành đai, một con đường" mà Trung Quốc đang theo đuổi.

Chủ tịch Trung Quốc tới thăm Pakistan Chủ tịch Trung Quốc tới thăm Pakistan

VTV.vn - Ngày 20/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thủ đô Islamabad, bắt đầu chuyến thăm chính thức 2 ngày Pakistan.

TS Hoàng Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam nhận định: "Chuyến đi thăm rõ ràng đã vẽ nên bức tranh tốt đẹp về mối quan hệ Trung Quốc - Pakistan. Nhìn lại lịch sử quan hệ của Trung Quốc với các nước, có thể thấy, Pakistan là một trong hai nước có quan hệ ổn định nhất với Trung Quốc, bên cạnh CHDCND Triều Tiên. Trong khi, quan hệ giữa Trung Quốc với các nước khác có giai đoạn thăng trầm. Từ năm 1950 đến nay, giữa nước này và Pakistan có quan hệ an ninh, trong đó mối lo ngại về xung đột với Ấn Độ là chất kết dính lớn nhất. Sự trỗi dậy, lớn mạnh của Trung Quốc chính là nhờ ơn Pakistan".

Từ đó, hành lang kinh tế giữa Pakistan - Trung Quốc có thể đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình Trung Quốc chuyển mình từ một cường quốc khu vực, nuôi lớn tham vọng. TS Hoàng Anh Tuấn đánh giá: "Kế hoạch này nằm trong chiến lược lớn góp phần đưa Trung Quốc trở thành cường quốc thế giới".

TS Hoàng Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam.

TS Hoàng Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong mối quan hệ với Pakistan. Bởi Pakiston là quốc gia tương đối bất ổn, có đấu tranh chính trị nội bộ, ảnh hưởng đến các kế hoạch, dự án lớn không chỉ với Trung Quốc mà với nhiều nước khác. Hơn nữa, vấn nạn khủng bố ở Pakistan luôn bị Trung Quốc coi là "cơn ác mộng". Đặc biệt, TS Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh tới khủng bố ở Tân Cương, có liên quan tới các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Do đó, thời điểm này vẫn còn quá sớm để dự đoán thành công của chiến lược, giúp Trung Quốc đạt mục tiêu lớn nhất. Vấn đề còn phụ thuộc rất nhiều vào phản ứng từ các nước láng giềng của Trung Quốc. Nhưng xét về sơ bộ, ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng, kế hoạch cũng có những ảnh hưởng tích cực nhất định: "Chiến lược giúp Trung Quốc tăng cường kết nối với các nước, hướng đến mục tiêu trở thành cường quốc thương mại. Hiện, Trung Quốc đã là đối tác thương mại của 126 nước trên thế giới. Thương mại được đẩy mạnh tới đâu sẽ kéo theo sự đầu tư, phát triển kinh tế ở đó, tạo nên tác động tích cực về mặt kinh tế. Ngoài ra, việc Trung Quốc tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực giúp tạo ra sự cạnh tranh trong thời bình, thông qua hợp tác và mô hình phát triển kinh tế".

Nhưng bên cạnh đó, TS Hoàng Anh Tuấn cũng lưu ý đến khả năng bị lệ thuộc một chiều vào Trung Quốc. Theo ông, mối quan hệ như thế có thể gây ra những ảnh hưởng cho một quốc gia như: bị Trung Quốc xuất siêu nhiều, giúp Trung Quốc xây dựng được nền công nghiệp bản địa, bóp méo thị trường lao động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế lâu dài, bền vững và môi trường lao động ở quốc gia đó... Vì thế, ý tưởng "Một vành đai một con đường" khi trở thành hiện thực sẽ hình thành hành lang kinh tế có chiều dài nhất và tiềm năng phát triển lớn nhất thế giới, đồng thời cũng có thể tạo ra rất nhiều thách thức đối với hòa bình, an ninh của khu vực và thế giới.

Để lắng nghe toàn bộ những nhận định của TS Hoàng Anh Tuấn về hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan, mời quý vị và các bạn theo dõi qua video Toàn cảnh thế giới dưới đây:

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước