“Sự ra đời của AIIB mang đến nhiều lợi thế”

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 29/03/2015 15:11 GMT+7

Ông Trần Văn Thái bàn về sự ra đời của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng (AIIB) trong chương trình "Toàn cảnh thế giới".

VTV.vn - Đó là nhận định của ông Trần Việt Thái – Viện phó Viện Nghiên cứu chiến lược, thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam khi đề cập về ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi xướng.

Trong tuần qua, một vấn đề quốc tế tuy không ồn ào nhưng lại thu hút được khá nhiều sự quan tâm của dư luận thế giới, đó là việc một loạt quốc gia châu Âu cũng như châu Á lần lượt tuyên bố tham gia Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng (gọi tắt là AIIB). AIIB là một ngân hàng đầu tư với quy mô lớn, được một quốc gia mới nổi như Trung Quốc đứng lên khởi xướng và tuyên bố đóng góp tới 50% số vốn. Hiện tại, AIIB đã thu hút được sự tham gia của hơn 30 quốc gia.

Một trong những lý do Trung Quốc quyết định thành lập AIIB, đó là bởi dự trữ ngoại hối của Trung Quốc hiện đang rất cao và có sẵn để phục vụ cho dự án phát triển AIIB. Theo phân tích của Viện Nghiên cứu chiến lược ở Việt Nam, tính đến cuối năm 2014, tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã đạt đến 4.000 tỷ đồng. Trong khi, nguồn lãi suất của trái phiếu Chính phủ Mỹ hiện nay đang bị giảm nên lãi suất sinh lời từ khoản dự trữ mua trái phiếu của Chính phủ Mỹ không còn hấp dẫn như trước.

Nga quyết định gia nhập AIIB Nga quyết định gia nhập AIIB

VTV.vn - Ngày 28/3/2015, Nga đã quyết định tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng.

Tuy nhiên, ra đời trong bối cảnh thế giới đã có những định chế về tài chính quốc tế rất có uy tín, AIIB cũng phải đối mặt với những thách thức như: kinh nghiệm trong việc vận hành hay bị các nước lo ngại về quy chế xét dự án, điều kiện vay vốn… Mặc dù vậy, ông Trần Việt Thái – Viện phó Viện Nghiên cứu chiến lược, thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam nhận định AIIB vẫn có nhiều lợi thế so với các định chế khác: “Trước hết, Chính phủ Trung Quốc có quyết tâm rất lớn đối với sự ra đời, thành lập của AIIB, Bên cạnh đó, AIIB có tiềm lực tài chính khổng lồ. Ban đầu, họ sử dụng đồng USD, nhưng khi đi vào vận hành ổn định sẽ dùng đến cả các khoản vay của đồng Nhân dân tệ. Ngoài ra, AIIB là ngân hàng ra đời sau nên họ có cơ hội tiếp nhận kinh nghiệm của các định chế về tài chính quốc tế trước đó. Một lợi thế khác là nguồn lực trong nước và nguồn lực hải ngoại tham gia vào tài chính ngân hàng Trung Quốc hiện nay rất lớn”.

Ông Trần Việt Thái – Viện phó Viện Nghiên cứu chiến lược, thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Ông Trần Việt Thái – Viện phó Viện Nghiên cứu chiến lược, thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Dự kiến vận hành chính thức trước cuối năm nay, ngân hàng AIIB còn được hy vọng sẽ tạo thêm kênh huy động vốn mới cho các quốc gia châu Á trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt với những quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á, Trung Á, Nam Á. Nhìn từ kinh nghiệm vận hành của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), ông cũng đánh giá sự xuất hiện của AIIB là cơ sở tạo ra các điều kiện ràng buộc và tạo sự cạnh tranh, buộc các định chế có sẵn phải cải tổ đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. “AIIB mang đến sức mạnh mềm khó cưỡng với nhiều quốc gia” – ông Thái nhận định.

Được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng về kinh tế cũng như địa chính trị đối với khu vực châu Á, nhưng việc ra đời của ngân hàng AIIB cũng đã gây ra sự tranh cãi trên thế giới. Nhiều quan điểm cho rằng, sự xuất hiện của AIIB là một thách thức đối với các thể chế tài chính hiện có của thế giới vốn đang nằm trong tầm ảnh hưởng của Mỹ và châu Âu. Quan trọng hơn, nó thể hiện sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tại khu vực châu Á. Thậm chí, theo một số nhà phân tích, sự ra đời của AIIB sẽ có thể góp phần phá vỡ trật tự kinh tế toàn cầu vốn đã được duy trì suốt 70 năm qua.

Trước ý kiến này, ông Trần Việt Thái bày tỏ quan điểm: “Hiện nay, có thể thấy cục diện thế giới đã thay đổi. Các nước mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Nga đang vươn lên rất mạnh mẽ. Từ G7 nay đã chuyển thành G20. Trật tự thế giới mới đang hình thành, trong đó có trật tự về tài chính, tiền tệ. Khi trật tự ấy được sắp xếp lại, các quốc gia có phản ứng cũng là điều bình thường. Tôi cho rằng, sự ra đời của AIIB liệu có phá vỡ trật tự cũ hay không, hoặc bổ sung cho trật tự mới, hoặc kết hợp với các định chế đang có sẵn, hình thành thêm công cụ mới cho sự phát triển của thế giới, đây vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Thời gian tới, sau khi AIIB đi vào vận hành cụ thể như thế nào, chúng ta mới đưa ra kết luận được. Nhưng dù ít hay nhiều, sự ra đời của AIIB trước mắt vẫn mang đến những lợi thế nhất định”.

Vừa qua, Chính phủ Trung Quốc cũng đã cam kết về việc đảm bảo sẽ không "thống trị" trong AIIB, đồng thời khẳng định quan hệ giữa AIIB và các ngân hàng phát triển đa phương hiện có là mối quan hệ “hỗ trợ lẫn nhau chứ không cạnh tranh”. Với sự tham gia tích cực của nhiều quốc gia trên thế giới, AIIB vẫn được đánh giá có thể trở thành một tổ chức tài chính đa phương cân bằng, minh bạch, không chịu bất kỳ sự chi phối và gây ảnh hưởng nào.

Để theo dõi cụ thể hơn về ý tưởng thành lập, cũng như ý nghĩa và tác động của AIIB tới tương lai sự phát triển của khu vực châu Á và bối cảnh thế giới, mời quý vị và các bạn theo dõi qua video Toàn cảnh thế giới dưới đây:

 

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước