Tuyên bố Đà Nẵng tại APEC 2017 đã phản ánh xu hướng thúc đẩy tự do hóa thương mại khu vực

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 12/11/2017 12:07 GMT+7

VTV.vn - Tiến sĩ Trần Việt Thái nhận định dù có sự khác biệt nhưng đa phần các nền kinh tế APEC đều thể hiện sự ủng hộ tự do hóa thương mại thông qua Tuyên bố Đà Nẵng.

Tuần qua, sự quan tâm của truyền thông thế giới đổ dồn về thành phố biển Đà Nẵng của Việt Nam - nơi diễn ra những hoạt động sôi nổi trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Hội nghị cấp cao tại Đà Nẵng và trước đó là hàng trăm hội nghị, sự kiện được tổ chức ở 10 địa phương trên cả nước trong suốt cả năm nay đã đưa tới kết quả cụ thể, giúp hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược về một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21.

Trong chương trình Toàn cảnh thế giới ngày 12/11, Tiến sĩ Trần Việt Thái – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao nhận định về sự khác biệt của các phiên thảo luận tại APEC 2017 so với các hội nghị trước đó: "Các phiên thảo luận cấp cao như cấp bộ trưởng đều rất sôi nổi, hấp dẫn và có nhiều nội dung mới. Sở dĩ có sự hấp dẫn như vậy là vì năm nay nổi lên sự cọ xát rất mạnh giữa 2 luồng ý kiến. Nhóm thứ nhất ủng hộ thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại tự do, mở cửa hơn nữa. Một xu hướng khác nổi lên là chủ nghĩa bảo hộ, dân túy. Hai quan điểm này cọ xát với nhau rất mạnh, đặc biệt là cấp bộ trưởng và cấp cao. Đây cũng là điểm khác biệt nhất so với các năm khác".

"Tuy nhiên, đa phần các nền kinh tế APEC đều ủng hộ xu hướng thúc đẩy tự do hóa thương mại, liên kết và hội nhập sâu rộng hơn nữa. Trong quá trình đàm phán xây dựng văn kiện, tôi được biết các anh chị em đàm phán vất vả, thâu đêm suốt sáng để ra được tuyên bố chung, qua đó phản ánh sự cọ xát nhưng cũng phản ánh quyết tâm rất lớn của các nền kinh tế thành viên tiếp tục xu hướng hiện nay là kinh tế tự do, bình đẳng, các bên đều có lợi. Điều đó đã được phản ánh qua Tuyên bố Đà Nẵng" - Tiến sĩ Trần Việt Thái chia sẻ.

Tại APEC 2017, các bộ trưởng đã đạt được thỏa thuận Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thay thế Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tiến sĩ Trần Việt Thái đánh giá cao sự ra đời của hiệp định mới này tại Đà Nẵng: "Việt Nam và một số nước, đặc biệt là Nhật Bản đã thúc đẩy rất mạnh mẽ tiến trình này vì Việt Nam và Nhật Bản có lợi ích to lớn trong việc tiếp tục duy trì cơ chế. Quá trình đàm phán lại rất khó khăn và có nhiều điểm khác nhau. Việc duy trì đã góp phần thúc đẩy thương mại tự do hóa và thuận lợi hóa, liên kết và hội nhập. Mặt khác cũng nêu được vai trò của Việt Nam là chủ nhà năm nay và có hợp tác tích cực, không làm gì ảnh hưởng đến tiến trình chung và là một phần của Đông Á".

"Chúng ta cũng cần nhận thức rõ những tiêu chuẩn cao, một vài điểm không phải dễ thực hiện. Do vậy, nỗ lực quyết tâm mỗi bộ ngành, mỗi doanh nghiệp là rất quan trọng và nếu làm tốt, tôi nghĩ đây sẽ là thành công lớn nhưng khó khăn ở phía trước, đòi hỏi tất cả các bên phải cố gắng" - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược cho biết.

APEC 2017: Thông qua Tuyên bố Đà Nẵng 'Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung' APEC 2017: Thông qua Tuyên bố Đà Nẵng "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung" Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng APEC Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng APEC “Việt Nam thể hiện thành công vai trò chủ nhà Năm APEC 2017” “Việt Nam thể hiện thành công vai trò chủ nhà Năm APEC 2017”

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước