Bất cập từ quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp

Đặng Công-Thứ hai, ngày 27/05/2013 07:11 GMT+7

 Với nhiều điều kiện khắt khe, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại ĐBSCL đang khó lòng nhận được sự hỗ trợ từ nguồn quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần hạ mức lãi suất cho vay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều có nợ quá hạn hoặc đã thế chấp tài sản nên không thể tiếp cận nguồn vốn. Thêm vào đó là động thái thắt chặt tín dụng ở các Ngân hàng thương mại, vì vậy, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ được xem là chiếc phao cứu sinh cho các doanh nghiệp hiện nay. Ngày 1/5 mới đây, tỉnh Bạc Liệu cũng đã đưa quỹ này đi vào hoạt động.

‘ Thiếu tài sản thế chấp, dự án không khả thi là những trở ngại chính trên con đường tiếp cận Quỹ bảo lãnh tín dụng của các doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

Ông Trần Văn Sỹ, Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Đa số doanh nghiệp của tỉnh Bạc Liêu đều là vừa và nhỏ, nguồn vốn ít nhưng lại khó tiếp cận với ngân hàng. Vì vậy tỉnh Bạc Liêu đã thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp. Chúng tôi xét những doanh nghiệp nào có dự án kinh doanh khả thi sẽ làm hồ sơ bảo lãnh, để họ vay vốn từ các ngân hàng trong tỉnh”.

Hiện cả nước khoảng 10 địa phương có quỹ bảo lãnh tín dụng doạnh nghiệp vừa và nhỏ. Tại ĐBSCL ngoài Kiên Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu quỹ đã hoạt động, TP Cần Thơ cũng đang chuẩn bị các điều kiện để thành lập quỹ này.

Tuy nhiên, Hiệp hội doanh nghiệp TP Cần Thơ cho rằng, rất khó để tiếp nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ bảo lãnh tính dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi đa phần các doanh nghiệp đều không thể đảm bảo những điều khoản như: Không có nợ xấu, phải có tài sản thế chấp mà quỹ này đặt ra.

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Cần Thơ cho biết: “Các điều khoản là không có nợ xấu, không có tài sản thế chấp, tôi thấy rất khắt khe. Nếu mà để các điều kiện như vậy sẽ khó có doanh nghiệp nào tiếp cận được quỹ này”.

Để Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động hiệu quả, Hiệp hội doanh nghiệp một số địa phương ở ĐBSCL cho rằng, quỹ nên nới lỏng điều khoản bảo lãnh. Cụ thể là bỏ quy định về tài sản thế chấp, nợ xấu ngân hàng mà nên xét tính khả thi của dự án cũng như hoạt động kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp. Bởi sau thời gian rơi vào khủng hoảng, khoảng 70% các doanh nghiệp ở ĐBSCL đều đã vay nợ xấu hoặc đang có tài sản thế chấp ở ngân hàng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước