Cuộc chiến Uber, Grab - taxi truyền thống: Ngày càng thêm nóng

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 12/03/2018 21:50 GMT+7

Ảnh: Dân trí

VTV.vn- Ba Hiệp hội taxi TP Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM vừa có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, về chủ trương của Bộ Giao thông vận tải cho phép tiếp tục thí điểm Grab và Uber.

Ba hiệp hội taxi kiến nghị dừng gia tăng số lượng phương tiện vì cho rằng số lượng xe ứng dụng Uber, Grab đã là 60.000 xe, gấp 1,8 số xe taxi của Hà Nội và TP.HCM, đồng thời, không mở rộng ra các địa phương ngoài phạm vi thí điểm.

Các hiệp hội taxi còn kiến nghị Grab, Uber phải được coi là đơn vị kinh doanh vận chuyển hành khách, taxi đặt xe qua mạng, vì vậy, các đơn vị quản lý phần mềm này phải ký hợp đồng trực tiếp với lái xe và chịu trách nhiệm giải quyết mọi phát sinh với khách hàng và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước. Phải xây dựng bộ nhận diện riêng cho phương tiện thí điểm, phải đặt máy chủ ở Việt Nam.

Ba hiệp hội taxi này cũng cho rằng, số lượng gia tăng các xe ứng dụng Uber, Grab làm mọi quy hoạch vận tải đang bị phá vỡ và các hãng taxi truyền thống đứng trước nguy cơ tan rã.

Hiệp hội taxi kiến nghị hoạt động của Uber, Grab

Sự phát triển ồ ạt của các xe gắn phần mềm Uber, Grab đã tạo cho khách hàng ở những nơi được thí điểm có thêm cơ hội được lựa chọn một loại dịch vụ vận tải giá hợp lý, ứng dụng công nghệ mới. Nhưng thực tế cũng đang phát sinh những vấn đề mà việc các xe đang cài đặt các ứng dụng này chưa đủ cơ sở pháp lý để giải quyết những vướng mắc với khách hàng, và cả việc quản lý những lái xe đang ứng dụng các công nghệ này.

Đại diện Grab Việt Nam cũng thừa nhận, mặc dù lượng xe công nghệ Grab tăng mạnh nhưng dịch vụ giải quyết vướng mắc vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay có khoảng 80.000 xe chạy cho Grab nhưng mỗi thành phố lớn chỉ bố trí trên 10 người giải quyết các vướng mắc.

Một trong lý do khiến khó mời tài xế lên làm việc khi có sự cố xảy ra xuất phát từ việc thiếu cơ sở pháp lý. Do chiếu theo các quy định hiện hành thì Grab không được ký hợp đồng dịch vụ trực tiếp với tài xế, mà phải mượn danh các hợp tác xã ký hộ. Trong khi đó các khoản thanh toán đều do Grab và tài xế giao dịch với nhau, nên chính HTX khó có thể ràng buộc được tài xế khi có sự cố xảy ra.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, đang hoàn thiện nghị định trình chính phủ cách thức quản lý loại hình này. Theo đó, Uber và Grab phải được quản lý như một doanh nghiệp vận tải, với nhiều điều kiện ràng buộc, để bảo vệ quyền lợi quyền lợi cho người dùng.

Quản lý lái xe Uber, Grab

Tại buổi họp thảo luận dự thảo nghị định Quản lý về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nêu quan điểm: Phải quản lý được Uber và Grab như hãng taxi. Uber và Grab phải đảm bảo đúng pháp luật, nộp thuế đầy đủ; không đáp ứng được yêu cầu thì rời khỏi Việt Nam.

Đại diện Grab, ông Jerry Lim, cuối tuần qua đã đưa ra phát biểu chính thức được báo chí đăng tải. Theo đó, ông cho rằng, "định danh Grab là công ty taxi không chỉ phủ nhận nỗ lực của Chính phủ, nỗ lực của Grab trong việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số ở Việt Nam, mà còn là một bước lùi của Việt Nam trong quá trình kiến tạo, xây dựng một quốc gia khởi nghiệp trong kỷ nguyên 4.0".

Như vậy, đây là động thái căng thẳng mới nhất giữa các bên trong cuộc tranh cãi chưa biết khi nào mới ngã ngũ giữa taxi truyền thống và Grab, Uber.

Uber, Grab và ứng dụng công nghệ trong kinh doanh

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước