Đề xuất lệ phí cấp mới thẻ căn cước công dân là 70.000 đồng/thẻ

Minh Đức-Thứ hai, ngày 05/09/2016 18:17 GMT+7

VTV.vn - Bộ Tài chính đã có Dự thảo thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí cấp căn cước công dân, theo đó lệ phí cấp mới là 70.000 đồng/thẻ, lệ phí cấp lại không đổi

Mới đây, Bộ Tài chính đã có Dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí cấp căn cước công dân với một số thay đổi so với Thông tư 170/2015/TT-BTC về việc thu, nộp lệ phí. Hiện tại, Bộ Tài chính đang đăng tải công khai dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí cấp căn cước công dân trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý của người dân, doanh nghiệp.

Theo Dự thảo thông tư, đối tượng nộp phí khi cấp căn cước công dân là công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân. Đối với những trường hợp thử căn cước công dân có sai sót về thông tin trên thẻ do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân thì sẽ không phải nộp phí.

Như vậy, so với quy định trước, Dự thảo Thông tư đã bỏ đi 2 trường hợp không phải nộp lệ phí là công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân lần đầu và đổi thẻ Căn cước công dân khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Có nghĩa công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục cấp, đổi thẻ căn cước công dân đều phải nộp phí.

Đề xuất lệ phí cấp mới thẻ căn cước công dân là 70.000 đồng/thẻ - Ảnh 1.

Theo Dự thảo thông tư, mức lệ phí cấp lại và được không thay đổi

Theo Dự thảo Thông tư, mức thu lệ phí được đề xuất đưa ra như sau: Cấp mới, cấp lại: 70.000 đồng/thẻ Căn cước công dân. Đổi: 50.000 đồng/thẻ Căn cước công dân. Đối với những công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo khi cấp mới, cấp lại hoặc đổi thì lệ phí thẻ Căn cước công dân phải nộp chỉ bằng 50% mức thu quy định. So với Thông tư 170/2015/TT-BTC thì mức thu lệ phí cấp lại và đổi được đề xuất không thay đổi.

Ngoài ra, công dân có thẻ được miễn lệ phí nếu thuộc những trường hợp: Công dân đã được cấp Chứng minh nhân dân 9 số và Chứng minh nhân dân 12 số nay chuyển sang cấp căn cước công dân theo Luật Căn cước công dân; Đổi căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; Đổi, cấp lại căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thuộc các xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Ủy ban Dân tộc; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật; Đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.

Như vậy bên cạnh việc quy định hợp lý về mức thu lệ phí thẻ căn cước công dân, Dự thảo Thông tư còn đưa ra chính sách miễn, giảm cho một số đối tượng nhất định, nhằm hỗ trợ và hạn chế phần nào gánh nặng về kinh tế cho họ.

Công tác tổ chức thu lệ phí được thực hiện ở 3 cơ quan sau: Cục Cảnh sát Đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư - Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an; Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an quận, huyện thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính tương đương.

Theo đó, tổ chức thu lệ phí nộp sẽ 100% số tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, kinh phí thực hiện cấp mới, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật về phân cấp ngân sách nhà nước. Dự kiến thông tư có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước