Điểm báo sáng 13/5: Rà soát lại các dự án công nghìn tỷ

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 13/05/2016 10:11 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu rà soát lại các dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên.

* Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát lại các dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên.

Với nhan đề "Thêm một lời nhắc vè tiết kiệm chống lãng phí", tờ Thời báo Tài chính bình luận: Không để xảy ra thất thoát, lãng phí đó là yêu cầu hàng đầu của Chính phủ đang đặt ra trên tất cả các lĩnh vực. Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính trọng trách thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, bảo đảm cân đối vĩ mô và an toàn nợ công. Không phải cứ thấy cần thiết là lập dự án vay vốn đầu tư, không đầu tư bằng mọi giá, mà chỉ ưu tiên đầu tư những công trình cấp thiết, cho hiệu quả cao, mới đảm bảo được yêu cầu ổn định và phát triển bền vững nền kinh tế đất nước.

* Câu nói quen thuộc "Hà Nội không vội được đâu" đã được TS Nguyễn Sỹ Dũng đặt tựa đề cho bài viết của mình trên tờ Đại biểu nhân dân. Trong đó, ông phân tích: "Hà Nội không vội được đâu" đúng không chỉ cho hệ thống giao thông, mà có vẻ còn đúng cả cho hệ thống hành chính nữa. Dù mới đây Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã kêu gọi phải đổi mới phong cách, lề lối làm việc để xóa bỏ định kiến "Hà Nội không vội được đâu".

Tuy nhiên, định kiến nói trên chỉ có thể được xóa bỏ khi bộ máy hành chính của Hà Nội dám chịu lột xác để trở nên thật sự chuyên nghiệp, thật sự hiệu năng và thật sự tận tụy với nhân dân. Để thực hiện điều này không chỉ quyết tâm chính trị, mà còn cả những cải cách thể chế hết sức sâu rộng.

* "Phụ nữ là lực lượng lao động nông nghiệp chủ yếu nhưng thu nhập thấp, ít quyền lợi, dễ bị tổn thương" là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình.

Trên tờ Nông thôn ngày nay, PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh cũng công bố kết quả nghiên cứu của Viện ông cho thấy: Tuy là lao động chính trên đồng ruộng hiện nay nhưng mức độ tiếp cận nguồn lực và ra quyết định của phụ nữ trong gia đình và sản xuất lại thấp hơn nam giới. Trong hoạt động trồng trọt hoặc tham gia dự án nông nghiệp, phụ nữ thường tham gia vào các khâu họp triển khai, tập huấn, thực hiện mô hình mà ít tham gia ở khâu quản lý và giám sát.

* Với nhan đề "Lò mổ công nghiệp "chết yểu": "Thịt bẩn" còn đất sống", tờ diễn đàn doanh nghiệp phản ánh thực tế, tình hình các lò mổ công nghiệp trên cả nước đến nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân được cho là do chi phí cao và quản lý chặt khiến các thương lái không mặn mà với giết mổ công nghiệp. Trong khi lò mổ công nghiệp đang chết dần chết mòn vì ế, thì hàng ngày hàng giờ, các lò mổ thủ công vẫn hoạt động hết công suất. Người dân vẫn phải dùng thịt bẩn chưa biết đến bao giờ, chỉ vì các chế tài quản lý vệ sinh an toàn tại lò mổ chưa được thực hiện.

* Vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã mở rộng các chuỗi siêu thị tại Việt Nam. Đặc biệt, sự thâu tóm một số hệ thống siêu thị lớn như Metro, Big C, hay nói cách khác làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) đang diễn ra rất khốc liệt tại thị trường bán lẻ trong nước.

Theo tờ Đại đoàn kết, sự "đổ bộ" mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài tạo ra những thách thức đối với doanh nghiệp bán lẻ trong nước song cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp nội học hỏi về cách quản trị vốn và hệ thống hoạt động, đó là những kinh nghiệm, bài học chỉ có thể đạt được qua quá trình va chạm và hợp tác với các doanh nghiệp lớn.

* Tin tưởng vào khát vọng đưa TP.HCM lên vị trí số 1 của khu vực của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, bốn nhà đầu tư mà đứng đầu là tập đoàn của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã trình nhà đầu tư Dự án Trung tâm tài chính - Hội nghị hiện đại bậc nhất Đông Nam Á với số vốn đầu tư 4 tỷ USD.

Trả lời trên tờ Giao thông, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng cho biết lợi ích của dự án đó là dòng vốn ngoại đổ mạnh vào Việt Nam, lượng tiền mặt đổ vào trung tâm này nếu đi vào hoạt động rất lớn... Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài cũng cần được Chính phủ cam kết bởi các định chế tài chính ổn định.

* Hàn Quốc đang thực sự trở thành một hiện tượng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam, với hơn 48 tỷ USD vốn đăng ký lũy kế, vượt xa Nhật Bản tới 9 tỷ USD.

Với nhan đề: "Giải mã" hiện tượng Hàn Quốc trong thu hút FDI, tờ Đầu tư cho biết, Việt Nam là thị trường rộng mở cho các nhà đầu tư Hàn Quốc bởi Việt Nam không chỉ có chính trị ổn định, kinh tế đang phát triển, giá nhân công cạnh tranh, nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài, mà còn là thị trường "gốc" để từ đây, hàng hóa của các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể lan tỏa sang các thị trường khác trong khu vực, cũng như các đối tác thương mại khác của Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước