Diện kiến "vua tiễu phỉ" miền Tây xứ Nghệ (kỳ 1)

Nguyễn Văn Quân-Thứ sáu, ngày 07/03/2014 16:23 GMT+7

Vừ Chông Pao (xã Cà Tạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), người anh hùng của núi rừng miền Tây xứ Nghệ nổi tiếng một thời đã được bà con nơi đây gọi bằng cái tên "vua tiễu phỉ". Thời gian trôi đi nhưng kỷ niệm một thời tuổi trẻ sôi nổi vẫn sống mãi trong ông. Trong một chuyến ngược rừng về miền Tây xa thẳm, phóng viên VTVNews đã có cơ duyên gặp gỡ, ghi lại câu chuyện cuộc đời già Pao.

‘ Vừ Chông Pao - "vua tiễu phỉ" miền Tây xứ Nghệ

Đánh phỉ từ tuổi 15

Tôi rất bất ngờ, một thủ lĩnh từng nhiều năm là chủ tịch huyện, tham gia Đại biểu Quốc hội, thậm chí bây giờ vẫn đang là phó chủ tịch danh dự MTTQ tỉnh Nghệ An lại ở một nơi cao tít tắp và đơn sơ như vậy. Nếu ban nãy, không có sự chỉ dẫn của người đàn ông Mông đi chợ buổi sáng, có lẽ tôi cũng sẽ khó nhận ra ngôi nhà của ông trong lớp lớp những dãy nhà sàn giống hệt nhau tại bản Sơn Hà xã Cà Tạ này. Năm nay đã ngoài tám mươi tuổi, cái sức cũng đã yếu, cái chân cũng đã mỏi rồi nhưng cái nhớ về những tháng ngày xa xưa thì già Pao chưa quên được. Mà quên sao được, khi cả cuộc đời của già, đánh phỉ từ khi mười lăm tuổi cho đến tận bây giờ ngồi trước tôi, già Pao bảo già vẫn đang làm cách mạng, vẫn đang đi bản giúp dân cai nghiện, đánh lại cái nghèo cái dốt.

“Năm 1945, khi đó ta vừa tròn mười lăm tuổi. Giặc Pháp và bọn thổ phỉ đánh mạnh ở đất Kỳ Sơn này lắm. Khắp các bản Mường Ải, Huổi Xá, Híp Ngôn… đâu đâu cũng có phỉ nổi lên. Vậy là cùng hai người bạn thân là Vừ Gióng Chư và Lầu Lìa Tu, chúng ta tự tạo ra súng kíp, súng tự chế, cùng bà con đứng dậy đánh phỉ. Ngay từ ngày đó ta đã được bầu làm đội trưởng rồi mà.” Đôi mắt nhỏ, tinh anh, ông hào hứng nhắc lại “cái buổi đầu lưu luyến ấy”. Lực lượng thổ phỉ có Pháp đứng đằng sau hoàn toàn bị đánh bại bởi những thanh niên dân tộc yêu nước tuổi chưa đầy hai mươi.

“Sau đợt ấy ta được ra Hà Nội gặp Bác Hồ tại Phủ chủ tịch trong Đại hội các dân tộc thiểu số. Bác Hồ nói nhiều lắm nhưng lúc ấy, tiếng Kinh ta chưa sõi nên cũng không nhớ được nhiều. Ta chỉ thấy Bác đưa ra một bó đũa và nói rằng, các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, cũng như bó đũa này, nếu đoàn kết lại thì không ai có thể bẻ gãy được. Về nhà nói chuyện với dân bản, ta cũng nhắc lại câu chuyện bó đũa ấy. Cái lý ấy thì với bà con người Mông ai ai cũng hiểu, cái đầu ai ai cũng gật thôi mà.”

‘ Vừ Chông Pao thời còn làm chủ tịch huyện Kỳ Sơn (Nghệ An)

Kỷ niệm từ "câu chuyện bó đũa" của Bác Hồ

Già Pao kể tiếp, đến năm 1960 khi Pháp rút hoàn toàn thì Mỹ nhảy vào miền Tây Nghệ An với con bài chủ đạo là Vàng Pao- tướng phỉ người Lào. Tướng phỉ Vàng Pao dụ dỗ, mua chuộc bà con. Nhiều bản gần như toàn bộ theo phỉ. Năm 1962, Già Xia Súa ở bản Phà Bốn xưng Châu Phà (tức Vua trời) tại Tham Hang, Mường Lống lôi kéo dân bản chống phá chính quyền. Dân bản tin, cán bộ xã cũng tin và tôn Xia Súa là thánh sống. Chúng rêu rao, đi theo Châu Phà sẽ có cuộc sống ấm no, cái ăn, cái mặc tự vào rừng có hết. Sau đó chúng đặt rất nhiều đồ ăn, vải vóc trong rừng, dân bản vào thấy thế, tin là thật.

“Ta không quên đâu, lúc có nạn Châu Phà ấy ta đang là chủ tịch MTTQ Kỳ Sơn mà, năm ấy ta lại được ra Hà Nội gặp Bác Hồ nhân dịp Quốc khánh tại Phủ chủ tịch. Vừa gặp ta, Bác đã quay sang đồng chí Lê Duẩn và hỏi: “Anh Ba này, ở Kỳ Sơn Nghệ An dạo này có gì mới không? Rồi ta nghe đồng chí Lê Duẩn thưa lại: ‘Thưa Bác! Kỳ Sơn đang có loạn Châu Phà.”. Nghe xong, Bác Hồ nhìn các đại biểu trong hội trường rồi hỏi to: “Theo các chú thì chúng ta nên như thế nào?”.

Không khí im lặng, không ai lên tiếng. Ta nghĩ đây là việc của mình, của địa phương mình và có lẽ, cũng là… lỗi ở mình nên bật dậy dõng dạc: “Thưa Bác! Loạn Châu Phà - Kỳ Sơn, người Mông mắc mưu địch đi nhiều nhất, Khơ Mú đi một số, người Thái và người Kinh không đi. Chúng tôi càng giáo dục thì đi càng nhiều, cầm súng bắn bộ đội, bắn bà con dân bản đổ máu. Theo ý dân bắt được thì xử chết…”

Tưởng Bác sẽ biểu dương nhưng ngờ đâu, nghe xong Bác xua tay lắc đầu bảo: “Không được! Không được các chú ơi! Theo Bác, phải xác định kẻ thù chính của ta là ai? Bạn của ta là ai? Kẻ thù chính của ta là đế quốc, chúng muốn dùng chính sách chia rẽ, gây mất đoàn kết, dùng dân ta để đánh lại ta. Còn tất cả các dân tộc trong nước là bạn của nhau. Do đó, là cán bộ phải giáo dục cho dân hiểu rõ âm mưu của địch, không nên đẩy bạn ta trở thành địch. Nếu các chú làm như vậy, đánh địch suốt đời không hết. Nên kêu gọi những người lầm đường lạc lối trở về, cảm hoá giáo dục họ trở thành người tốt, ai mang súng trở về sẽ được hưởng chính sách khoan hồng”.

Nhắc lại kỷ niệm sâu sắc ấy già Pao im lặng một lúc lâu. Ông bảo đó là lần đầu tiên ông thấm thía hết nghĩa tình và tấm lòng của Bác Hồ dành cho các đồng bào dân tộc anh em. Từ Hà Nội, khắc ghi câu nói ấy của Bác, chủ tịch Vừ Chông Pao mở một cuộc họp toàn dân bản kéo dài ba ngày ba đêm tại Xúc Nhị. “Việc đầu tiên là ta ghi tất cả những lời Bác Hồ nói ra tiếng Mông để cho ai ai cũng hiểu. Sau đó ta tìm đến những nhà mà có người đi theo phỉ để thuyết phục. Đầu tiên phải là nhà của các cán bộ có người đi theo phỉ.”

Già Pao kể lại, nhà cán bộ đầu tiên ông “ngắm” đến để “thuyết khách” là Y Lầu – chủ tịch Hội phụ nữ xã Mường Lống. Lúc này, Mường Lống là điểm nóng của “rừng phỉ”, chồng của Y Lầu là Lỳ Vả Chinh, một tướng phỉ khét tiếng.

Gặp Y Lầu, Vừ Chông Pao bảo: “Y Lầu à! Chồng chị là Lỳ Vả Chinh khét tiếng ác liệt. Nó đánh bộ đội và dân làng ta “tích cực” lắm. Chị làm sao gọi nó về phía cách mạng, giao nộp vũ khí mới xứng đáng là chủ tịch Hội phụ nữ chứ.” Ngay buổi đầu tiên, Y Lầu đã lắc đầu và bảo: “Trước đây ta thường bỏ cơm trong khăn quấn lên đầu, bỏ thịt gà trong bao tượng cột ngang bụng đem vào rừng cho nó ăn. Giờ vận động khó lắm. Không được đâu.” Nghe vậy Vừ Chồng Pao lại nói: “Chị về nói với Lỳ Vả Chinh bộ đội ta có hàng ngàn quân. Nếu không ra hàng sẽ bị bắn chết hết. Mà như thế Y Lầu cũng sẽ mất chồng đấy.”

Rồi như hồi ức của lão tướng quân nhớ lại, phải mất ba lần vào rừng sâu, Y Lầu mới thuyết phục được chồng là Lỳ Vả Chinh. Lỳ Vả Chinh đầu hàng, kéo theo gần một trăm tên phỉ khác cũng ra đầu hàng cùng không ít vũ khí đạn dược. “Thời gian sau này, khi ta đang là chủ tịch huyện Kỳ Sơn, một số tàn quân phỉ được sự yểm trợ của Vàng Pao bên Mỹ cũng có nổi dậy. Nhưng ta lại cùng bộ đội biên phòng, công an và nhân dân bắt và tiêu diệt không còn một tên sống sót. Có những vụ, chỉ một đêm, ta đã đánh tan cả một đội quân khi chúng đang tiến hành vượt biên giới vào lãnh thổ mình đấy.”

Vừa cười, “lão tướng quân” vừa đưa ra những tấm ảnh mà mấy chục năm trước ông thân chinh đi đánh phỉ cùng bộ đội dọc vùng ven phên dậu của Tổ quốc, mảnh đất Kỳ Sơn Nghệ An. Và suốt một thời gian dài cho đến tận ngày hôm nay, vùng núi phía Tây có đến hơn hai trăm kilômet đường biên này vẫn luôn được giữ vững.

(Hết kì 1)

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước