Nghệ An: "Khai tử người sống" để trục lợi tiền trợ cấp

Nhóm PV Thời sự-Thứ hai, ngày 25/03/2013 12:06 GMT+7

Bà Nguyễn Thị Ba – một trong những nạn nhân bị cán bộ xã làm giả mạo giấy khai tử

 Người đang sống có giấy khai tử, người chết được cho sống lại, người tàn tật bị giữ lại tiền hỗ trợ là những vấn đề gây bức xúc dư luận ở huyện Thanh Chương, Nghệ An thời gian qua.

Một số người đang sống thì có giấy khai tử, đã mất được cho là sống lại, người tàn tật bị giữ lại tiền hỗ trợ hay làm khống giấy tờ để tăng thêm tuổi cho một số đối tượng là những sai phạm liên quan đến một số cán bộ xã Thanh Chi (Thanh Chương - Nghệ An) đã diễn ra từ nhiều năm nay. Điều tra của các phóng viên Thời sự đã cho thấy việc cố tình sai phạm là nhằm mục đích trục lợi tiền hỗ trợ cho các đối tượng chính sách.

Bà Trần Thị Nhung mới qua đời năm 2012, nhưng trong mục quyết định của Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Chương ban hành năm 2009, bà Nhung đã không còn sống từ 10 năm trước. Vì thế, sau khi mất thân nhân của bà đã không được nhận tiền hỗ trợ mai táng phí theo tiêu chuẩn người có công với cách mạng.

Bà Nhung không phải trường hợp duy nhất. Bà Nguyễn Thị Ba mặc dù đang sống khoẻ mạnh với con cháu trong Nam đã bị cán bộ xã Thanh Chi ghi khai tử từ năm 1998. Cả hai trường hợp gia đình đều không hay biết.

‘ Giấy khai tử của bà Ba (Ảnh: VTVNews)

Thêm một sự khuất tất khác của cán bộ xã Thanh Chi là trường hợp của gia đình ông Mỗ bà Ngọ. Từ năm 2008, gia đình ông Mỗ không hề biết rằng, người con trai tật nguyền của mình đã bị chính quyền xã Thanh Chi ăn bớt 120.000 tiền chăm nuôi mỗi tháng.

Sự công bằng chỉ được trả lại vào năm 2012 sau khi vợ chồng ông Mỗ nghe rằng số tiền mà con họ được hưởng phải là 240.000 đồng chứ không phải 120.000/tháng. Suốt 4 năm, để che dấu việc làm khuất tất này, theo quyết định nâng cấp trợ cấp mỗi tháng cho người bệnh tâm thần từ 65.000 đồng lên 240.000 đồng đã bị cán bộ địa phương giấu đi.

Đây chỉ là 3 trong số hàng chục vụ sai phạm về việc chi trả tiền chính sách ở xã Thanh Chi trong nhiều năm qua. Nhưng chỉ đến năm 2012, vụ việc mới được phát hiện. Bí thư Huyện uỷ huyện Thanh Chương, ông Lê Quang Đạt thừa nhận đây là những việc làm không thể chấp nhận được về tư cách của người cán bộ.

Thực tế, từ tháng 1/2012, Uỷ ban kiểm tra huyện Thanh Chương đã ra thông báo về sai phạm ở Thanh Chi trong việc giả mạo giấy tờ. Tăng tuổi cho 8 trường hợp lên 85 tuổi để hưởng trợ cấp người cao tuổi trong đó có 5 trường hợp là mẹ đẻ, mẹ vợ của cán bộ xã. Có trường hợp người được tăng đến 14 tuổi.

Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra cho biết, tới thời điểm này Huyện uỷ Thanh Chương vẫn chưa đưa ra hình thức xử lý nào với lãnh đạo xã mắc sai phạm. Theo kết luận của Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Chương vào đầu 2013 đã có 31/40 xã để xảy ra sai phạm trong việc chi trả trợ cấp. Có nơi còn giả mạo chữ ký của thân nhân liệt sĩ để lấy tiền. Số tiền sai phạm được phát hiện là 620 triệu đồng.

Ông Bùi Nguyên Lân, giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Nghệ An: “Sai phạm của huyện Thanh Chương ở khâu lãnh đạo, chỉ đạo giám sát. Khâu thứ hai là khâu công khai hoá trước dân chưa tốt. Thứ ba là khâu tổ chức xã hội buông lỏng, không kiểm tra giám sát do vậy để họ lộng quyền. Muốn cho đối tượng nào hưởng được hưởng”.

Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Nghệ An cũng khẳng định tỉnh này sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm và nếu cần sẽ đề nghị truy tố hình sự để lấy lại lòng tin của nhân dân.

Theo điều tra của nhóm phóng viên Thời sự, ngoài việc một số người đang sống lại được khai tử, ngược lại nhiều người đã mất vẫn được cán bộ xã ở huyện Thanh Chương coi như đang sống để nhận tiền trợ cấp người cao tuổi hàng tháng. Những việc làm này diễn ra nhiều năm nay, sai phạm đã rõ và cũng đã được kết luận, tuy nhiên, việc xử lý và mức độ xử lý vẫn còn thiếu nghiêm minh, chưa thuyết phục được công luận.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước