Nhà nước không bao cấp cho ngành mía đường

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 18/02/2020 17:58 GMT+7

Thủ tướng khẳng định, Nhà nước không bao cấp cho ngành mía đường. (Ảnh: VGP)

VTV.vn - Nhà nước không bao cấp cho ngành mía đường và ngành này phải cạnh tranh sòng phẳng trong hội nhập quốc tế.

Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Hiệp hội mía đường về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành này.

Hiện, ngành công nghiệp mía đường của Việt Nam có 41 nhà máy, sản xuất được từ 1,3 - 1,5 triệu tấn đường mỗi năm. Với trên 270.000 ha đất trồng mía đang tạo sinh kế cho gần 40.000 hộ dân. Tuy nhiên, ngành này đang phải đối mặt với thách thức kép. Thứ nhất là giá đường thế giới giảm thấp, cùng với tình trạng thừa nguồn cung kéo dài trong 3 niên vụ gần đây. Thứ 2 là từ đầu năm nay, hạn ngạch nhập khẩu đường từ các nước ASEAN theo Hiệp định dịch vụ hàng hóa ASEAN đã bị xóa bỏ sau 2 năm được Chính phủ trì hoãn để hỗ trợ cho ngành này.

Nguyên nhân lớn nhất, khiến ngành mía đường Việt Nam gặp khó là do địa hình đồi dốc của nhiều vùng trồng mía gây khó khăn cho việc phát triển cánh đồng lớn và cơ giới hóa. Đi cùng quy mô, trình độ chế biến, khả năng tổ chức sản xuất và năng lực quản trị của các nhà máy đường còn hạn chế. Cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý. Còn chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm chưa hoàn thiện và khâu phân phối sản phẩm chưa hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với một đất nước gần 100 triệu dân có nhu cầu sử dụng đường ăn rất lớn mà phụ thuộc hoàn toàn vào đường nhập khẩu thì đó là một sai lầm trong xây dựng nền kinh tế Việt Nam tự cường. Nhưng cần phải tính toán lại giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu để giữ lại ngành sản xuất đường ở Việt Nam một cách phù hợp trong điều kiện hội nhập, chứ không thể sản xuất số lượng lớn, ào ạt như vừa qua. Đồng thời phải kiên quyết tái cơ cấu, sắp xếp lại 41 nhà máy hiện có, theo hướng phát triển một số nhà máy đường quy mô lớn có vùng trồng mía tập trung, có năng suất cao ở một số khu vực để bảo đảm sinh kế cho hàng chục nghìn hộ nông dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thách thức đối với ngành mía đường Việt Nam là có, nhưng cơ hội phát triển vẫn luôn rộng mở, vì dự báo giá đường thế giới sẽ phục hồi trong năm nay. Một cơ hội nữa đối với phát triển ngành đường vẫn còn nằm ở các sản phẩm sau đường như sản xuất điện, ván ép, ethanol từ bã mía và rỉ mật. Để hỗ trợ ngành mía đường trong nước, Thủ tướng giao Bộ Công Thương tính toán lại giá mua điện được sản xuất từ bã mía, tăng cường chống gian lận thương mại, buôn lậu đường lỏng, đường hóa học và đường từ bột ngô, nhất là ở những tỉnh biên giới, đi cùng với nghiên cứu áp dụng các hàng rào kỹ thuật và các công cụ phòng vệ để kiểm soát đường nhập khẩu theo thông lệ và quy định quốc tế.

Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp thôn và Phát triển nông thôn hàng năm có nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu giống mía mới và đẩy mạnh cơ giới hóa, thủy lợi hóa những vùng trồng mía tập trung. Tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ có Chỉ thị về phát triển ngành mía đường trong tình hình mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước