Phát hiện những kẽ hở trong quản lý đất công từ vụ án Phan Văn Anh Vũ

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 22/04/2018 10:19 GMT+7

VTV.vn - Sau vụ án của Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm, nhiều vấn đề trong quản lý đất công đã được phát hiện ra, đòi hơi Nhà nước cần có giải pháp quyết liệt hơn.

Những diễn biến tiếp theo của vụ án Phan Văn Anh Vũ, hay Vũ Nhôm lại khiến báo chí tuần qua nóng trở lại. Thông tin nổi bật nhất về vụ án này xuất hiện trên hầu hết các tờ báo ra vào sáng thứ 4 (18/4).

Về danh sách những người bị khởi tố, có lẽ không cần nhắc lại bởi báo chí và các phương tiện truyền thông đã đưa rất chi tiết, nhưng có 2 cái tên đáng chú ý là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến. Vậy nguyên nhân gì khiến cả 2 nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng bị khởi tố?

Trả lời câu hỏi này, tờ Thanh niên đưa ra quan điểm trong số 31 người và 9 dự án giai đoạn 2004 - 2016 đang bị thanh tra thì chủ yếu nằm ở giai đoạn ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến làm Chủ tịch thành phố. Trong giai đoạn này, chính quyền thành phố đã cho áp dụng giảm hệ số sinh lợi sai quy định, hầu hết được chuyển nhượng qua các hình thức chỉ định bán trực tiếp cho cá nhân/tổ chức liên quan đến Vũ nhôm.

Theo báo Lao động, hai nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã bỏ qua pháp luật để tiếp tay cho Phan Văn Anh Vũ. Mấu chốt ở đây là dự án khu đô thị Đa Phước. Dưới sự cho phép của chính quyền, dự án này đã nhiều lần có việc điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho chuyển đổi nhà đầu tư, cho xây dựng, kinh doanh trái pháp luật… gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách và tạo điều kiện cho Vũ nhôm có được khối bất động sản khổng lồ

Mua với giá rẻ như cho, Phan Văn Anh Vũ đã vơ vét được hàng nghìn tỷ đồng và tài sản Nhà nước cũng đã chịu chừng ấy thiệt hại. Nhưng sự việc không chỉ dừng ở đó, trong diễn biến tiếp theo, sau khi Phan Văn Anh Vũ có các dự án bất động sản lớn, ông Trần Phương Bình - Nguyên Tổng Giám đốc, Ngân hàng Đông Á đã thống nhất bán cho Phan Văn Anh Vũ 60 triệu cổ phần của Ngân hàng Đông Á với giá 600 tỷ đồng, trong đó 400 tỷ đồng do Phan Văn Anh Vũ thế chấp lô đất rộng 220 ha tại Đà Nẵng để vay.

Còn 200 tỷ đồng, Phan Văn Anh Vũ chỉ ký khống chứng từ nộp tiền và Ngân hàng Đông Á đã xuất quỹ cho Vũ để mua cổ phần. Đến năm 2014, Ngân hàng này tăng vốn điều lệ không thành nên ông Bình chỉ đạo chuyển trả cho ông Vũ số tiền mua cổ phần, kèm theo cả tiền lãi là 609 tỷ đồng. Vũ đã dùng 500 tỷ đồng để mua lại 50 triệu cổ phần của 4 cổ đông khác của Ngân hàng, còn 100 tỷ đồng tiêu xài hết. Do đó, Phan Văn Anh Vũ đã tiếp tục bị đề nghị truy tố cùng ông Trần Phương Bình và 20 đồng phạm.

Dưới sự trợ giúp của chính quyền, hàng trăm ha đất ở Đà Nẵng cuối cùng đều đã trở thành tài sản của Phan Văn Anh Vũ. Với mỗi vụ việc, một bài học sẽ được rút ra. Và đối với vụ án này, hầu hết các tờ báo đều nhận định, bài học quan trọng ở đây chính là những kẽ hở trong quản lý đất đai, đặc biệt là khi quyền lực bị thao túng bởi một kẻ có tiền và nhiều mưu mô như Phan Văn Anh Vũ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu từ nay trở đi tất cả các bộ, ngành và địa phương không được phép bán quyền sử dụng đất theo kiểu giao, thương lượng và chỉ định mà phải bán theo giá trị trường bằng hình thức đấu giá công khai minh bạch. Chỉ đạo này thể hiện sự quyết liệt đấu tranh, không có ngoại lệ, không có vùng cấm đã giúp cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng hiệu quả. Những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, kích động, chia rẽ, không thể làm nguội tắt ngọn lửa phòng, chống tham nhũng, không thể làm suy giảm niềm tin cách mạng chân chính, giúp đẩy lùi những thói hư tật xấu, giúp Đảng, Nhà nước ngày càng vững mạnh.

TP.HCM kiểm tra dấu hiệu vi phạm chuyển nhượng 30ha đất công TP.HCM kiểm tra dấu hiệu vi phạm chuyển nhượng 30ha đất công

VTV.vn - Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị Ủy ban kiểm tra làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả các vi phạm.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước