Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Xét xử để lọt tội phạm là nỗi xấu hổ

VTV ONLINE-Thứ bảy, ngày 12/04/2014 16:35 GMT+7

Ông Nguyễn Đình Quyền tại Sự kiện & BÌnh luận sáng nay (12/4).

Theo ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - phiên toà ở Phú Yên, xét xử 5 cán bộ công an "có những dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội, xử lý không nghiêm minh và không đúng theo quy định". Ông Quyền đã nói điều này trong cuộc toạ đàm tại Sự kiện & Bình luận sáng nay (12/4).

Trao đổi với người dẫn chương trình - nhà báo Thu Hà - tại Sự kiện & Bình luận, ông Nguyễn Đình Quyền nói về phiên toà tại Phú Yên - phiên toà đang gây chú ý và nhận được sự quan tâm đặc biệt của dự luận trong thời gian qua - như sau: "Truy bức nhục hình, oan sai, xét xử mà để lọt bọn tội phạm... thì đó là một nỗi đau lòng và xấu hổ. Điều này đã được Đảng và Nhà nước xử lý, tuy nhiên, trên thực tế vẫn xảy ra".

"Qua dư luận thời gian gần đây thì có thể thấy hiện tượng truy bức nhục hình được phát hiện xảy ra với nhiều vụ án oan sai, những vụ án mà nạn nhân bị chết trong quá trình tố tụng, nó đã rung một hồi chuông cảnh tỉnh cho chúng ta trong việc bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Vụ án xét xử 5 cán bộ công an đó đang được dư luận hết sức quan tâm bởi nó có những dấu hiệu - theo như dư luận nói - mà chúng tôi cho rằng có căn cứ, đó là bỏ lọt người, lọt tội, xử lý không nghiêm minh, không đúng theo quy định".

Nói sâu hơn về phiên toà xét xử tại Phú Yên, theo khách mời bình luận thứ hai - luật sư Lê Thanh Sơn của Văn phòng luật AIC - thì vụ án này có tính chất đặc biệt vì những bị cáo tại phiên toà chính là những cán bộ công an. Vụ án càng nhận được sự quan tâm hơn vì sau khi toà tuyên án, vụ án đã được trực tiếp Chủ tịch nước có văn bản yêu cầu xét xử lại. Việc Chủ tịch nước đích thân có văn bản yêu cầu xem lại vụ án, theo luật sư Lê Thanh Sơn, là một tín hiệu đáng mừng.

"Có thể xem đây là một tín hiệu đáng mừng với giới luật sư của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng khi vụ án đã được Chủ tịch nước quan tâm thì nó sẽ được xem xét và xét xử một cách nghiêm túc, nghiêm minh. Đây là một tín hiệu đáng mừng trong quá trình cải cách và chúng tôi mừng vì chính Chủ tịch nước là người tiên phong trong quá trình cải cách đó".

Trước câu hỏi có điều nào trong luật cho rằng đánh chết một nghi can sẽ nhẹ tội hơn đánh chết một người không phải nghi can hay không, luật sư Lê Thanh Sơn trả lời: "Đánh chết một người thì con người ở đây là như nhau, kể cả người đó là người đang thi hành án, đang là tù nhân hay nghi can hay người dân bình thường... Tất cả con người đều giống nhau. Về mặt pháp luật không ủng hộ việc đó và không có sự phân biệt đối xử giữa các đối tượng".

Để biết rõ hơn về cuộc toạ đàm tại Sự kiện & Bình luận sáng nay, bạn hãy click vào video dưới đây để xem:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước