Trong cả nước không có tỉnh nào hội tụ đủ điều kiện từ cả quá khứ và hiện tại như Thừa Thiên Huế. Vì đây là tỉnh duy nhất có 5 di sản văn hóa, có trên 37.000 ha rừng của Vườn Quốc gia Bạch Mã cùng với 120 km bờ biển đẹp để phát triển du lịch. Thế nhưng, năm ngoái, tổng lượng khách du lịch đến Huế mới đạt 3,8 triệu người, trong đó khách quốc tế là 1,5 triệu. Mặc dù, du lịch - dịch vụ chiếm 58% cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhưng mới chỉ đang đóng góp được 15% vào tổng thu ngân sách trên 6.700 tỷ đồng. Vì thế, Thừa Thiên Huế vẫn đang phải nhận trợ cấp ngân sách từ Trung ương.
Từ nhiều năm nay, cả nông nghiệp, công nghiệp và du lịch - dịch vụ của Thừa Thiên Huế chưa có một dự án nào mang tính chất "quả đấm thép". Từ năm 1991, Huế đã xác định du lịch - dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, mặc dù tăng trưởng du lịch năm ngoái tới 12%, nhưng chưa bằng một nửa cả nước. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đánh giá, du lịch của trung tâm du lịch lớn của cả nước này đang đi xuống so với các tỉnh, thành khác và cứ đi từ từ như thế này thì không biết bao giờ du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Hiện tỉnh đang đặt nhiều hy vọng vào Khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô đang xin tăng vốn đầu tư từ 800 triệu USD lên 2 tỷ USD để xây dựng 6.000 phòng khách sạn, cũng như kế hoạch phục hồi 139 biệt thự từ thời Pháp thuộc và xây dựng cáp treo lên đỉnh Bạch Mã để tạo thêm các sản phẩm du lịch mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải thẳng thắn cho rằng, phát triển của Thừa Thiên Huế đang ở mức dưới tiềm năng, đồng thời cho rằng, những ý kiến khen hay chê của lãnh đạo các bộ đều là vì sự phát triển của Thừa Thiên Huế và tỉnh nên nghiêm túc tiếp thu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Thừa Thiên Huế cần có một quy hoạch tổng thể về phát triển để vừa tỉnh vừa phát triển được du lịch vừa giữ được nét Huế cổ kinh hài hòa trong tổng thể phát triển của các ngành nhưng nhưng không cản trở nhau, nhất là trong công nghiệp và du lịch.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Thừa Thiên Huế phải phát triển du lịch bài bản, chuyên nghiệp có chiều sâu để du khách đến Huế phải lưu lại dài ngày hơn, vì có như thế thu nhập từ du lịch - dịch vụ mới có thể tăng lên được. Thủ tướng cũng nhắc lại dự án xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh trước đây vẫn là một bài học đáng suy nghĩ, nhưng tỉnh cần quyết liệt hơn nữa trong cải cách môi trường đầu tư và kinh doanh để có thể huy động được các nguồn vốn đầu tư tư nhân cho phát triển theo tinh thần mạnh mẽ, nhưng phải chặt chẽ và dám nghĩ dám để để phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tới đây, Đại học Huế sẽ được hưởng cơ chế như 4 đại học quốc gia và đại học vùng khác trong cả nước. Song Thủ tướng cũng đề nghị Đại học Huế cũng như Bệnh viện Trung ương Huế phải thực sự trở thành một phần của ngành công nghiệp dịch vụ và là một cực tăng trưởng của tỉnh.
Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cần có một chương trình hành động cụ thể để thực hiện được phương châm 10 chữ của Chính phủ trong năm nay, cùng với Nghị quyết 01 với 242 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Là tỉnh đầu tiên mà Thủ tướng đến làm việc trong năm mới 2018 nên Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới việc Thừa Thiên Huế là tỉnh đầu tiên được yêu cầu phải tích cực chuẩn bị để bảo đảm người dân nào cũng được đón Tết Mậu Tuất và ngay sau Tết, cần phát động các phong trào sản xuất để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu và kế hoạch.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về chủ trương với một số đề xuất của tỉnh. Đối với dự án xây dựng cáp treo lên đỉnh Bạch Mã, Thủ tướng Nguyễn yêu cầu tỉnh cần phối hợp với các bộ đánh giá tác động môi trường, tổ chức hội thảo và lập báo cáo rất cẩn trọng trên cơ sở khoa học để trình Chính phủ quyết định sau.
Nhân dịp về thăm và làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hường, ở đường Hoàng Văn Thụ, phường Xuân Phú và Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hiệp, ở phố Đào Tấn, phường Trường An, thành phố Huế.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!