Túc trực 24/24h khắc phục hậu quả mưa lũ, chuẩn bị ứng phó bão Sarika

Khánh Nguyễn-Chủ nhật, ngày 16/10/2016 06:15 GMT+7

Các đơn vị trong khu vực bị ảnh hưởng thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó với hậu quả do mưa lũ gây ra; Ảnh do TCT Đường sắt Việt Nam cung cấp.

VTV.vn - Lãnh đạo Bộ GTVT nói chung và ngành đường sắt nói riêng đã chỉ đạo các đơn vị thường trực 24/24 giờ, khắc phục hậu quả mưa lũ, đồng thời chuẩn bị ứng phó bão Sarika.

Trong ngày 15/10, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ GTVT đã phối hợp với lãnh đạo các địa phương thị sát các điểm ngập lụt, đình trệ giao thông tại các tỉnh miền Trung.

"Nhằm triển khai đúng tinh thần Công điện số 29/CĐ-TW hồi 17h50 ngày 14/10/2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, và để chủ động đối phó với diễn biến của mưa, lũ, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị: khẩn trương thực hiện kịp thời các chỉ đạo của Bộ GTVT", Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

Túc trực 24/24h khắc phục hậu quả mưa lũ, chuẩn bị ứng phó bão Sarika - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ và đoàn công tác thị sát điểm ngập lụt, đình trệ giao thông tại các tỉnh miền Trung (Ảnh: Bộ GTVT)

Cụ thể, đối với Cục Hàng hải Việt Nam: chỉ đạo cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải phối hợp với các lực lượng khác tại địa phương tham gia cứu hộ, cứu nạn các tàu bị trôi dạt ra biển và tìm kiếm cứu nạn thuyền viên bị mất tích. Chỉ đạo Đài thông tin Duyên hải tăng cường thời lượng phát sóng, thông báo kịp thời diễn biến của bão Sarika đang hoạt động trên vùng biển phía Đông Philippines.

Đối với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, phải tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực tổ chức đảm bảo an toàn giao thông, khắc phục hậu quả trong và sau khi mưa, lũ. Kiểm tra mức độ hư hỏng tại các bến phà, cầu phao, các khu vực xung yếu, các cầu yếu… để kịp thời sửa chữa, khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian ngắn nhất.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phải chỉ đạo các đơn vị tổ chức điều tiết hướng dẫn đảm bảo giao thông; kịp thời sửa chữa, bổ sung phao tiêu, biển báo bị hư hỏng do mưa, lũ gây ra; kiểm kê, rà soát phương tiện phục vụ công tác PCTT và TKCN đảm bảo sẵn sàng ứng cứu. Chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo trì ĐTNĐ kịp thời thu hồi phao tiêu, báo hiệu trước khi lũ về.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: Khẩn trương thực hiện khắc phục sự cố do sạt lở đường, tắc nghẽn tàu.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu các Sở GTVT nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của mưa lũ phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, các Cục quản lý Đường bộ trong việc phân luồng phân tuyến đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi giao thông trên các tuyến đường bị ngập.

"Yêu cầu các cơ quan, đơn vị nêu trên tổ chức trực ban 24/24h và thường xuyên báo cáo về Ban chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Giao thông vận tải", Lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo.

Trong ngày 15/10 vừa qua, đã có 10 đoàn tàu khách, 12 đoàn tàu hàng đang nằm dọc đường chờ thông tuyến do ảnh hưởng của mưa lũ ở miền Trung. Ngay sau khi có thông tin về đợt mưa lớn kéo dài, ngay từ ngày 14/10, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã cử ông Đới Sỹ Hưng - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Trưởng ban Phòng chống lụt bão của Tổng công ty xuống Quảng Bình để trực tiếp chỉ đạo khắc phục sự cố.

Túc trực 24/24h khắc phục hậu quả mưa lũ, chuẩn bị ứng phó bão Sarika - Ảnh 2.

Nhiều tuyến đường sắt ở Quảng Bình bị thiệt hại do mưa lũ (Ảnh: Hoài Lâm)

Trong ngày 15/10, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gồm Chủ tịch HĐTV Trần Ngọc Thành, Tổng Giám đốc Vũ Tá Tùng và thêm 1 đồng chí Phó TGĐ cũng đã đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão lũ đảm bảo thông tàu trong thời gian sớm nhất ở các khu vực sạt lở, ách tắc trên tuyến.

Đoàn công tác đã chỉ đạo các đơn vị trong khu vực tập trung vật tư, nhân lực, phối hợp tổ chức vận chuyển vật tư, thiết bị và công tác cứu chữa. Điều động hàng trăm công nhân tham gia cứu chữa, khắc phục sự cố và theo dõi trực chốt tại các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao. Điều động nhân lực, máy móc thiết bị từ các đơn vị lận cận (Hà Ninh, Thanh Hóa, Bình Trị Thiên...) tham gia khắc phục hậu qủa bão lũ. Đồng thời, yêu cầu các Công ty CP vận tải đường sắt chuẩn bị lương thực thực phẩm để phục vụ ăn uống cho hành khách trên tàu; Lập phương án chuyển tải hành khách khi điều kiện cho phép.

Cùng trong ngày hôm qua (15/10), đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xác nhận tất các các đoàn tàu đã về ga gần nhất và lần lượt hành khách được chuyển tải về nơi an toàn. Đặc biệt, đoàn tàu SE19 bị cô lập ở ga Lệ Sơn, Quảng Bình cũng đã được các lực lượng chức năng tiếp cận, cung cấp lương thực, nước uống và sử dụng ca nô để chuyển tải hành khách ra khỏi khu vực nước ngập sâu trong chiều qua. Tình đến15h ngày 15/10, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đã tổ chức chuyển tải hơn 1.000 hành khách ra khỏi khu vực lũ lụt, đảm bảo an toàn.

Theo kế hoạch, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục bán vé tàu cho hành khách. Tuy nhiên, các chuyến tàu xuất phát từ Hà Nội vào Nam sẽ chỉ dừng ở ga Vinh. Trong khi đó, các chuyến xuất phát từ phía Nam sẽ kết thúc hành trình ở ga Đồng Hới.

Khoảng 22h ngày 15/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã đến tỉnh Quảng Bình họp và chỉ đạo công tác ứng phó với lũ lụt trong những ngày tới.

[VIDEO] Cận cảnh những tuyến đường ngập sâu trong nước lũ tại Quảng Bình [VIDEO] Cận cảnh những tuyến đường ngập sâu trong nước lũ tại Quảng Bình

VTV.vn - Chiều 15/10, tại thị trấn Ba Đồn, Quảng Bình, do mưa lũ, nước vẫn ngập sâu trên nhiều tuyến đường khiến việc di chuyển của các phương tiện giao thông gặp nhiều khó khăn.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước