Nước ngập sâu tại xã Quảng Thuận, thị trấn Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Đức Hoàng)
Do ảnh hưởng của mưa lũ trong các ngày từ 12/10 - 14/10/2016, trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to, lũ trên sông Gianh lên nhanh, chảy xiết gây sạt lở mái taluy âm nền đường từ Km 456+000 - Km 456+090, chiều sâu khoảng 12-18m. Khoảng cách từ mép điểm sụt đến mép ray ngoài cùng là 1,2m tại một số điểm trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh.
Chiều 14/10, tại khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục xảy ra mưa lớn trên diện rộng và diễn biến phức tạp nên vùng sạt lở tiếp tục mở rộng. Tính đến 19h ngày 14/10, đã có 11 điểm sạt lở trong khu gian (đoạn đường sắt nối hai ga liền kề, được tính từ cột tín hiệu vào ga của ga phía bên này đến cột tín hiệu vào ga gần nhất của ga phía bên kia) từ ga La Khê đến ga Ngọc Lâm. Tại Ga La Khê, nước ngập trên mặt ray 10cm, đường ga số 1, 3 phải phong tỏa; đường số 2 (chính tuyến) nước ngập 5cm phải dẫn đường với vận tốc 5km/h. Các ga Đồng Hới, Lệ Kỳ đã bị ngập hoàn toàn. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tiến hành phong tỏa khu gian và dừng 10 đoàn tàu khách, 12 đoàn tàu hàng đang nằm dọc đường chờ thông tuyến.
Ngay sau khi nhận được thông tin trên, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương chuẩn bị để đảm bảo thức ăn, nước uống cho hành khách đi tàu. Cùng với đó, Bộ GTVT yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cung cấp thông tin đầy đủ để hành khách yên tâm; đồng thời chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Bình và các lực lượng khác trên địa bàn để huy động lực lượng, phương tiện khắc phục sự cố tàu khách bị tắc nghẽn và giải tỏa hành khách. Hiện Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã có mặt tại Quảng Bình để chỉ đạo trực tiếp.
VTV News đã liên hệ với đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và được biết, ông Đới Sỹ Hưng - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Trưởng ban Phòng chống lụt bão của Tổng công ty - đã có mặt tại Quảng Bình để cùng đơn vị đường sắt tỉnh Quảng Bình khắc phục sự cố.
Ông Đới Sỹ Hưng cho biết: "Mưa lũ đã gây ảnh hưởng đến đoạn đường sắt từ ga Hương Phố (Hà Tĩnh) đến ga Mỹ Trạch (Quảng Bình), khoảng 200km chiều dài. Nước ngập đỉnh ray trên 350mm, có đoạn 700mm. Nhiều đoạn trôi nền đường, nền đá, sạt lở mái taluy. Đường sắt Bắc - Nam ách tắc hoàn toàn từ 12h40 ngày 14/10.
Khu vực bị sạt lở khiến 9 đoàn tàu phải dừng dọc đường sáng 15/10.
Tính đến sáng 15/10, có 9 đoàn tàu khách gồm 1.184 hành khách phải dừng dọc đường. Ngoài ra, hàng chục chuyến tàu hàng cũng phải dừng dọc đường. Hiện các khu vực vẫn tiếp tục mưa nên chưa thể xác định được thiệt hại".
Sáng 15/10, Bộ GTVT, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình vẫn đang tìm cách tiếp cận ga Lệ Sơn, nơi đoàn tàu SE 19 - một trong số 9 đoàn tàu phải dừng dọc đường với 160 hành khách đang mắc kẹt do đường sắt ngập nước lũ.
Một đoạn đường sắt bị hư hỏng tại Quảng Bình. Ảnh: Báo Giao thông
Theo ghi nhận của phóng viên đang có mặt tại hiện trường, hiện nay tất cả các tuyến đường bộ vào khu vực này đã ngập nặng khiến các phương tiện không thể tiến vào và tiếp cận. Đại diện công ty đường sắt Quảng Bình cho hay, đơn vị đã chuẩn bị đá hộc, đá dăm để sửa đường, tiếp cận giải cứu đoàn tàu.
Về phương án khắc phục sự cố trước mắt, đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, các đơn vị vận tải bố trí đầy đủ mỳ tôm, cơm, nước uống miễn phí cho hành khách trên tàu. Do các tuyến đường bộ ra ga đều bị ngập nên chưa thể tiếp cận được ngay hiện trường. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang phối hợp với các địa phương để có giải pháp khắc phục sớm nhất sau khi nước rút.
Cụ thể, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ phối hợp với các đơn vị đường sắt huy động khoảng 1.000 người cùng vật tư, máy móc thiết bị thường trực ngày đêm tại hiện trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!