Việt Nam - EU hướng tới kết thúc đàm phán FTA

Thái Thanh (Thời sự, thoisu@vtv.vn)-Thứ bảy, ngày 11/10/2014 21:37 GMT+7

Chuyến thăm Liên minh châu Âu lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý nghĩa rất quan trọng vì diễn ra trong bối cảnh hai bên đang trong quá trình kết thúc đàm phán FTA.

Ngày 12/10/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Bỉ, Liên minh châu Âu, Đức và tham dự Hội nghị cấp cao Á - Âu tại Italia và thăm Tòa thánh Vatican. Đây là chuyến thăm được cho là sẽ mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực giữa Việt Nam và các thành viên quan trọng trong EU trong nhiều năm tới, đồng thời, là động lực quan trọng để hai bên tiến tới ký Hiệp định thương mại tự do song phương trong thời gian sớm nhất.

Dệt may, cùng với da giày và một loạt các sản phẩm nông sản khác từ lâu là những sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam EU, từ năm 2001 đến nay, đã tăng hơn 7 lần và đạt 34 tỷ USD vào năm 2013. Trong 6 tháng năm 2014, thương mại Việt Nam - EU tăng trưởng trên 13% và đạt mốc 30 tỷ USD.

Khi FTA được ký kết, những hàng hóa vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, sẽ được giảm thuế đến 90%, tức là thuế suất 0%, thay vì cơ chế như hiện nay, EU tự quyết việc áp đặt thuế dựa trên các điều kiện của từng năm.

Đại sứ Franz Jesssen, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng: “Điều cốt lõi nhất, theo tôi, là chúng ta phải có một thỏa thuận tốt, thể hiện được tham vọng của phía Việt Nam. Chúng tôi muốn bản hiệp định này, không chỉ có giá trị trong vài tháng tới, mà nó phải xác định rõ mối quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU trong nhiều năm tới.

Tôi nghĩ hiệp định sẽ mang lại nhiều lợi ích cho phía Việt Nam như mở cửa thị trường nhiều hơn nữa cho các nhà đầu tư từ châu Âu và qua đó, thị trường và các doanh nghiệp Việt Nam cũng trở nên cạnh tranh và hiệu quả hơn. Tức là hiệu quả cho cả doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vào EU, cả doanh nghiệp của EU và cả thị trường nội địa của Việt Nam”.

Dệt may là một trong những sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu. (Ảnh minh họa)

Dệt may là một trong những sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu. (Ảnh minh họa)

Sau hơn 2 năm, việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU được cho là đang ở giai đoạn cuối cùng. Sau vòng đàm phán thứ 8, vào cuối tháng 6 vừa qua thì cách đây khoảng 10 ngày, vòng đàm phán thứ chín đã diễn ra ở Đà Nẵng. Theo Đại sứ Franz Jesssen khoảng cách đàm phán rất gần như vậy cho thấy các nhà đàm phán đang cố gắng nỗ lực hết mình để có thể sớm kết thúc đàm phán và sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại tổng hành dinh của EU tại Brussels là yếu tố quan trọng để thúc đẩy đàm phán có kết quả tốt hơn nữa.

PGS.TS. Nguyễn An Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định: “Chuyến đi của Thủ tướng lần này thể hiện một thông điệp rằng Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai Hiệp định thương mại tự do cũng như sẵn sàng triển khai các nội dung trong hợp tác đối tác toàn diện. Bởi vì chúng ta biết, Hiệp định thương mại tự do sẽ chỉ được phê chuẩn và ký kết khi mà hiệp ước khung về đối tác chiến lược toàn diện được phê chuẩn và khi Việt Nam được Liên minh châu Âu thừa nhận là đã có nền kinh tế thị trường. Quan điểm cá nhân tôi rất hy vọng sau 8 vòng đàm phán đã rất khẩn trương thể hiện mong muốn của hai phía, chuyến đi của Thủ tướng lần này sẽ là một dấu mốc quan trọng cho việc về đích của Hiệp định thương mại tự do”.

Chuyến thăm Liên minh châu Âu lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn có ý nghĩa rất quan trọng vì diễn ra trong bối cảnh hai bên đang trong quá trình phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện. Hiệp định này sẽ đưa quan hệ Việt Nam - EU trở thành quan hệ “đối tác bình đẳng và hợp tác toàn diện”.

Diễn ra trong bối cảnh EU đang trong quá trình thay thế thế hệ lãnh đạo và chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này còn mang theo thông điệp Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với các thành viên của Liên minh này.

Chuyến thăm EU đầu năm ngoái của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các chuyến thăm Việt Nam trong tháng 8 vừa qua của Chủ tịch Ủy ban châu Âu M. Barroso và Đại diện cấp cao EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh C. Ashton là những điểm nhấn mới trong quan hệ giữa hai bên. EU đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Hiện nay, năm trong số 13 đối tác chiến lược của Việt Nam là các nước thành viên EU. Và chuyến thăm châu Âu lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tạo ra những động lực mới để hiện thực hóa mối quan hệ đối tác bình đẳng và hợp tác toàn diễn giữa Việt Nam và EU.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước