Những câu chuyện cổ tích “Dưới mái nhà chung”

Thao Giang; Ảnh: Doãn Hoàng-Thứ ba, ngày 12/11/2013 11:09 GMT+7

 Dưới mái nhà chung - một bộ phim tài liệu dài 5 tập với những cảnh quay công phu và nhiều câu chuyện độc đáo, tư liệu quý giá về đồng bào dân tộc thiểu số do Ban Truyền hình tiếng Dân tộc, Đài THVN thực hiện sẽ lên sóng VTV1 20h05 các ngày 15, 16, 22, 23 và 27/11 tới đây.

Bộ phim nói về số phận các dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong chiều dài lịch sử từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945 đến nay. Sống “Dưới mái nhà chung” là dải đất hình chữ S của Việt Nam, bà con ta từng trải qua rất nhiều khó khăn, đói khổ, cách trở do hoàn cảnh địa lý, do thiên nhiên dịch bệnh khắc nghiệt, thậm chí cả những lầm lạc, mâu thuẫn do sự áp bức “chia để trị” “ngu để trị” của các thế lực phản động, bè lũ phong kiến, thực dân rồi đế quốc…

Kể từ khi có Đảng, có Bác Hồ, đặc biệt là sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, các dân tộc thiểu số Việt Nam đã được chăm sóc, giáo dục, động viên, vượt lên trên hủ tục, bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế xã hội để có thể vươn lên về mọi mặt. Đoàn làm phim đã đi dọc Việt Nam, đến với đồng bào thiểu số ở cả những nơi hoang vu, xa xôi nhất, cùng ăn cùng ở, để chứng kiến thiên nhiên tuyệt sắc, các nét son văn hóa sặc sỡ nhất, các phong tục kỳ lạ nhất, rồi cả sự rơi rớt của những hủ tục đáng xót xa nhất còn ám ảnh trong đồng bào mình...

Đạo diễn Lê Đông (áo kẻ) phỏng vấn lão thành cách mạng

Đâu đó còn không ít lo toan trong hành trình đưa vùng thiểu số thoát khỏi khó khăn, đâu đó còn hủ tục lạc hậu không đáng có, để rồi Đảng và Nhà nước đã và đang quyết tâm chỉnh nắn, bổ sung các chính sách và cách làm để có thể chăm sóc đồng bào mình tốt hơn. Tuy nhiên, xuyên suốt hành trình của ê-kíp làm phim là những hình ảnh xúc động về tấm lòng của người cán bộ các thời kỳ, khi họ vượt sơn lam chướng khí, hy sinh cả tuổi trẻ của mình cho vùng cao, để làm tất cả giúp đồng bào thiểu số của mình bớt khổ. Sự phát triển ấy, nhìn lại, nó như là một câu chuyện “cổ tích” thời hiện đại.

Trong 5 tập phim, khán giả sẽ gặp hình ảnh nao lòng về hàng trăm nhà giáo tình nguyện đi nơi gian khó xa xôi nhất, được Hồ Chủ tịch dặn dò động viên trước khi vào rừng xanh núi đỏ dạy chữ cho đồng bào chưa bao giờ biết đến cái chữ của mình. Họ đã cống hiến hy sinh như thế nào? Họ đã đi bộ mười mấy ngày trời từ tỉnh vào đến xã để tự tay đẵn tre nứa, đánh gianh xây dựng trường, lên nương gọi học trò về học ê a ra sao? Họ đã sáng tạo ra cách dạy học miền rừng rồi viết chữ lên lưng trâu cho trẻ mục đồng ôn luyện bài để rẻo cao phía Bắc Việt Nam được xóa mù và phổ cập tiểu học như thế nào? Anh hùng đầu tiên của giáo dục phổ thông Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Văn Bôn đã cùng đoàn làm phim trở lại Tây Bắc, Lai Châu và Mường Tè, Mù Cả để gặp lại cảnh cũ người xưa, khi cả thầy và trò đều đã bạc đầu, nhiều học trò của ông đã lên ông lên bà từ mấy chục năm trước, có người là đại biểu quốc hội, người là lãnh đạo tỉnh…

‘ Phỏng vấn người Dao ở Phú Thọ về những hủ tục trong đời sống

Chúng ta cũng gặp ở đó hình ảnh, câu chuyện xúc động về hàng vạn thanh niên xung phong, làm suốt 8 năm ròng với 2 triệu ngày công để mở con đường Hạnh Phúc gần 200km từ thị xã Hà Giang lên Đồng Văn, Mèo Vạc. Con đường kỳ vĩ nhất lịch sử Việt Nam đã được xây dựng hoàn toàn bằng sức người với tay trần thúc tròng, quai búa thực hiện cuộc trường chinh vào trong lòng cao nguyên đá hùng vĩ ấy. Phải mất 11 tháng treo mình trên vách đá cao hàng trăm mét, Thanh niên xung phong của 18 dân tộc, thuộc 8 tỉnh phía Bắc mới mở được con đường xuyên qua đèo Mã Pí Lèng vô cùng hiểm trở. Số người hy sinh để con đường được khai sinh… đã đủ để thành lập một nghĩa trang riêng ở huyện Yên Minh ngày nay.

‘ Vẻ đẹp của đèo Mã Pí Lèng- nơi ê kíp thực hiện những thước phim quan trọng nhất

Năm 1963, mỗi ngày trước khi treo mình trên vách đá khoan lỗ tròng phá núi, những chiến sỹ cảm tử mở đường năm ấy đều xếp hàng, chào cờ và thề sẵn sàng hy sinh cho con đường của 8 vạn đồng bào chưa bao giờ biết đến cái bánh xe hình tròn của ô tô, xe máy lăn trên quê hương mình. Bên mép vực treo mình đó, lúc nào cũng có sẵn 12 cái quan tài chuẩn bị sẵn cho trường hợp rủi ro. Bữa đến, đồng đội thả cơm, thả nước từ đỉnh núi xuống cho những “con nhện treo mình” ăn tạm trước khi tiếp tục phá đá xuyên trưa, làm việc cả ngày ở trạng thái chênh vênh sinh tử. Năm 1965, con đường ra đời, đã đánh thức cái mà ngày nay chúng ta gọi là Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

‘ Leo núi hiểm trở phải nhờ trợ giúp của một cụ già 80 tuổi

Loạt phim cũng đặc tả số phận, hành trình gian lao trên đường đi đến ấm no hạnh phúc của các cộng đồng thiểu số rất ít người. Có dân tộc chỉ gồm vài trăm đến vài nghìn người, như người Ơ Đu, người Brau, người La Hủ hoặc tộc người Đan Lai… Bà con thậm chí từng đối mặt với dịch bệnh và sự kỳ thị, xua đuổi, để rồi họ đứng bên bờ diệt vong, phát triển dân số âm, bị mai một ngôn ngữ, văn hóa đến xót xa. Như người Ơ Đu, họ nghèo đói và rách rưới đến mức hai chữ Ơ Đu đã được đặt thành tên của cả một dân tộc, tên ấy có nghĩa là “rách rưới”, là “thương xót lắm”.

‘ Quay phim về người La Hủ ở Mường Tè- Lai Châu

Bây giờ, nhờ chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước, với các dự án chương trình chăm sóc đồng bào thiểu số rất đầy đủ, nhân đạo và liên tục suốt mấy chục năm qua, đồng bào thiểu số đã từng bước vươn lên, văn hóa truyền thống được bảo tồn, nhiều tỷ phú chân đất dân tộc ít người đã xuất hiện.

Những miền đất bao đời qua, mới chỉ nghe tên thôi đã đủ thấy đó như là biểu tượng của sự hoang vu, nghèo khó, xa xôi trắc trở, nay đã vươn lên trở thành những đô thị tương đối sầm uất, điện đường trường trạm được kiện toàn. Đó là những vùng đất đã và đang cất cánh, như: Mường Tè, Mường Nhé, Đồng Văn, Mèo Vạc, Mù Căng Chải, Ngã Ba Đông Dương, Năm Căn, Đất Mũi, Cư Mgar, Ayun Hạ…

‘ Băng qua không gian hoang sơ của rừng Mường Nhé, Điện Biên

Trong phim, chúng ta sẽ thấy lịch sử các vùng đất, số phận các cộng đồng dân tộc thiểu số xuyên suốt trong dọc dài lịch sử - cũng như tương lai phát triển của họ - thông qua những hình ảnh tư liệu công phu, quý giá và các cuộc đối thoại đầy nghĩa tình với các nhà khoa học tâm huyết, các đồng chí lãnh đạo của chúng ta trong các thời kỳ…

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước