"Từ ý tưởng hình thành chương trình" - Điểm hẹn sáng tạo của những người làm Khoa giáo

Khắc Vinh-Thứ năm, ngày 20/02/2014 21:40 GMT+7

Với diễn giả là các Nhà sản xuất, Đạo diễn, Phóng viên, Biên tập viên có nhiều năm kinh nghiệm, cuộc hội thảo nghề nghiệp "Từ ý tưởng hình thành chương trình" phần nào đã chia sẻ được những cách làm mới, khoa học và thoả mãn cơn khát sáng tạo cho những người làm nội dung của Ban Khoa giáo.

Ý tưởng cho phim tài liệu: Phải là những sáng tạo không ngừng

Kiến giải một cách chi tiết và khá đầy đủ về việc hình thành, từ ý tưởng đến phát triển đường dây thực hiện một bộ phim tài liệu, đạo diễn Hoàng Lâm (Phòng Phim tài liệu) nhấn mạnh đến các yếu tố để có được một ý tưởng phim tài liệu tốt: "Đó là phải phát triển ý tưởng phải bám vào xu thế, thời cuộc, đặt trong bối cảnh chung của xã hội và tính chất của chương trình đang thực hiện. Ý tưởng còn là sự gom góp, tích luỹ từng ngày từ kiến thức thu lượm được, từ vốn sống và cả những phát hiện trong cuộc sống. Vì thế mà mỗi đạo diễn phải luôn chủ động vươn những cần ăng-ten ra để nắm bắt thông tin. Ngoài dự cảm cá nhân, thì sự yêu thích, đam mê nghề nghiệp chính là động lực để phát triển ý tưởng và hình thành chương trình".

‘ Toàn cảnh cuộc hội thảo

"Suy nghĩ như một phóng viên chiến trường và lựa chọn nơi có "chiến tranh" để tìm kiếm ý tưởng cho câu chuyện của mình. Ở đâu có mâu thuẫn, xung đột, ở đó dễ tìm thấy một câu chuyện hấp dẫn. Đề tài hấp dẫn trước hết phải là đề tài thôi thúc người đạo diễn luôn đau đáu suy nghĩ về nó." - BTV Đăng Bền chia sẻ.

"Để phát triển một câu chuyện phim tài liệu, cách làm hiệu quả nhất vẫn là đưa ý tưởng ra trao đổi với nhiều người, lắng nghe những đóng góp với tinh thần cởi mở. Đó cũng là cách để làm dày ý tưởng từ nhiều nguồn thông tin khác nhau" - Đạo diễn Hoàng Lâm nhấn mạnh.

Ai cũng muốn câu chuyện của mình được kể một cách thú vị, nhưng làm thế nào để rèn luyện được kỹ năng đó. Đạo diễn Hoàng Lâm chia sẻ một cách làm hay mà anh học được:"Hãy suy nghĩ và tìm cách để giới thiệu một đối tượng (anh/cô ấy) là ai, làm nghề gì... chỉ bằng 2 cú máy có độ dài 16 giây. Hình ảnh mở đầu là rất quan trọng, nó phải đủ thú vị để thu hút, gây tò mò, hay đánh lừa khán giả... Hãy tập quay những hình ảnh nghiêm túc bằng một động tác hài hước nhất, một hình ảnh nhằm đánh lừa trí tưởng tượng của khán giả."

"Hầu hết các bộ phim đều có một quy luật chung, từ mở đầu cho đến cột mốc 1, tiếp theo đến mốc 2 và đến điểm nổ. Không nên để người xem chờ đợi quá lâu mới nhận ra được chi tiết đáng chú ý. Tuy nhiên, để giữ khán giả ngồi trước màn hình thì có nhiều thủ pháp khác nhau, ví như thủ pháp giải cấu trúc - Đây là thủ pháp không tuân theo quy luật cột mốc, điểm nổ, nhưng nó sử dụng cách nuôi dưỡng tâm lý của khán giả bằng chính sự sốt ruột. Đó cũng chính là tính sáng tạo trong việc thực hiện phim tài liệu. Phim tài liệu là sự sáng tạo không giới hạn, không có định dạng hay cách kể câu chuyện một cách cố định" - Đạo diễn Hoàng Lâm chia sẻ.

Nhà báo Lê Hải Anh cũng nhấn mạnh: "Phim tài liệu cần cách kể chuyện hấp dẫn nhưng luôn đảm bảo tính chân thực, sự thật phải được tôn trọng. Dấu ấn cá nhân cần được tôn trọng trong một tác phẩm truyền hình. Để có được một bộ phim tài liệu thành công, bản thân người đạo diễn phải thấu hiểu đề tài và chia sẻ câu chuyện để khán giả hiểu được. Đó là một kỹ năng cần được trau dồi và tích luỹ."

Quy trình - Bí quyết thành công của chương trình truyền hình

Là Tổng đạo diễn của các chương trình lớn như Cuộc thi sáng tạo Robot - Robocon, hay những chương trình trọng điểm như Nhà sáng chế, Hương đất, Nhân tài đất Việt, đạo diễn Nhật Hoa nhấn mạnh đến vai trò rất quan trọng của một quy trình truyền hình chuyên nghiệp: "Không khó để có thể định nghĩa được một chương trình truyền hình thành công, đó là chương trình có dấu ấn sáng tạo cá nhân; Hấp dẫn, thuyết phục khán giả; Câu chuyện được kể có cảm xúc; Hiểu rõ đối tượng khán giả và đặc biệt nó được sản xuất bởi những người có đam mê với đề tài mà chương trình khai thác. Làm thế nào để có được chương trình như vậy? Chúng ta không thiếu những ý tưởng hay nhưng, đôi khi chúng ta thiếu kế hoạch, thiếu giám sát chặt chẽ tiến độ mà bỏ qua cơ hội để có được một chương trình truyền hình hấp dẫn. Và đây chính là lý do để xây dựng quy trình sản xuất chương trình truyền hình chuyên nghiệp".

‘ Các Đạo diễn, BTV trình bày các tham luận

Cũng theo đạo diễn Nhật Hoa, quy trình chuyên nghiệp không chỉ là quy trình quản lý sản xuất mà nó còn phải xây dựng được những tiêu chí để lựa chọn nhân sự tham gia chương trình - làm sao đảm bảo được thành công: "Chuyên môn giỏi cũng không phải là yếu tố quyết định những nhân sự quan trọng như Tổ chức sản xuất. Đó phải là người có niềm đam mê với công tác nhân sự, có kỹ năng giao tiếp, đơn giản là ekip tham gia sản xuất phải cảm thấy vui vẻ khi cùng làm việc. Không được dùng quyền lực để áp đặt công việc cho người khác cũng như không được coi thường vai trò của bất cứ một ví trí nào, dù là nhỏ nhất".

Dựa trên kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng được đào tạo, chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia chương trình Nhà sáng chế (Australia), các khái niệm về quản lý hiện đại đã được đạo diễn Nhật Hoa làm rõ và đưa vào quản lý quy trình sản xuất các chương trình truyền hình của mình. "Đó chính là bí quyết để duy trì được chất lượng chương trình tốt, liên tục và bền bỉ trong nhiều năm"- Chị nhấn mạnh.

Nhất để tạo lợi thế cạnh tranh

"Với đặc thù của những chương trình khoa giáo chúng ta khó có thể tạo ra được những chương trình truyền hình có số lượng người xem lớn nhất (như Thời sự 19h hay Gặp nhau cuối năm,..), nhưng hoàn toàn có thể xây dựng được một kênh khoa giáo (VTV2) có nhiều khán giả nhất - tính trên toàn bộ khung thời gian cũng như đối tượng khán giả cho tất cả các chương trình. Vậy phải giải bài toán này như thế nào?" - Đây là chủ đề mà BTV Đăng Bền đưa ra thảo luận tại Hội thảo.

Theo anh, đó chính là phải tái định vị lại mục tiêu của tất cả các chương trình bao gồm cả nội dung, chủ đề, tư tưởng và khán giả mục tiêu. Tìm điểm lợi thế cạnh tranh để xây dựng những chương trình truyền hình số 1, chương trình truyền hình hay nhất, đáng xem nhất cho một đối tượng khán giả xác định. Một tập hợp các chương trình khoa giáo hấp dẫn - những chương trình số 1 trong chủ đề mà nó đề cập sẽ giải quyết được bài toán này.

"Chúng ta không thể làm được một chương trình truyền hình về sức khoẻ hay nhất nhưng chúng ta hoàn toàn có thể làm một chương trình truyền hình số 1, chuyên sâu nhất dành cho những người bị bệnh tiểu đường. Tương tự như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện những chương trình truyền hình số 1 về những người nông dân có sáng kiến hiệu quả nhất trong nông nghiệp. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh đến yếu tố xu thế khi xác định ý tưởng cho chương trình, ví như bây giờ đang là giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nếu là phòng Khoa học Môi trường, chúng tôi sẽ thực hiện chương trình truyền hình có nội dung cung cấp các giải pháp công nghệ và môi trường hay nhất nhằm tiết kiệm tài chính tối đa cho các hộ gia đình và doanh nghiệp sản xuất. Tạo ra lợi thế cạnh tranh, còn là cách để tiết kiệm nguồn lực đầu tư, tránh phải cạnh tranh trực tiếp với thế mạnh của các chương trình khác giữa một biển thông tin đa dạng và phong phú như hiện nay. Ở vị trí số 1 trong lòng khán giả chính là yếu tố sống còn để các chương trình tồn tại." - BTV Đăng Bền chia sẻ.

Cuộc Hội thảo đã gợi mở ra những ý tưởng mới, cách làm mới, và được chính các biên tập viên áp dụng ngay cho các chương trình lớn mà họ ấp ủ trong dịp Tết âm lịch 2015. Nhà báo Thành Tùng (Phòng Nông nghiệp) vui vẻ cho biết, cuộc Hội thảo đã giúp anh có ngay những ý tưởng hấp dẫn đóng góp cho chương trình Hương Đất 2015 tới đây. BTV Quốc Đông cũng đã trình bày những ý tưởng cho chương trình lớn cuối năm Tình Xuân phiên bản mới của Du Xuân 2015.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước