Nợ công ở Trung Quốc phình to, kịch bản giống khủng hoảng kinh tế Mỹ

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 31/08/2016 06:53 GMT+7

VTV.vn - Theo các chuyên gia phân tích kinh tế, tình trạng nợ của Trung Quốc hiện tại có nhiều điểm giống với Mỹ khi đối mặt với khủng hoảng năm 2008.

Một thông tin quốc tế được chú ý những ngày gần đây là tình trạng đáng lo ngại của nợ công ở Trung Quốc. Theo số liệu mới nhất, từ đầu năm 2016 tới nay, 6 doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đã bị vỡ nợ. Ước tính, các vụ vỡ nợ trên có tổng giá trị lên tới hơn 16,5 tỷ NDT, chiếm 66,5% tổng nợ. Quỹ Tiền tệ quốc tế đã cảnh báo Trung Quốc cần giải quyết ngay gánh nặng này.

Theo TS. Phạm Sỹ Thành, nguyên nhân dẫn đến nợ công ở Trung Quốc bùng phát là sự suy giảm sản xuất công nghiệp và dư thừa sản lượng lớn trong thời gian qua.

"Năm 2015, Trung Quốc hầu như không đạt tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp. Các ngành công nghiệp thua lỗ liên tục. Điều này đặt các doanh nghiệp dưới áp lực trả nợ ngày càng lớn và trong bối cảnh kinh tế suy giảm" - TS Phạm Sỹ Thành phân tích - "Nguyên nhân sâu xa là do những chính sách phát triển kinh tế mà chính phủ Trung Quốc đã dùng để cứu nền kinh tế trong quá khứ. Rõ ràng, nợ doanh nghiệp đã tăng gấp đôi trong thời gian từ sau 2008, tức là sau khi Trung Quốc dùng gói kích kinh tế 650 tỷ USD. Nó tạo ra một quán tính rất xấu là doanh nghiệp Trung Quốc phải liên tục dựa vào vay nợ để thực hiện sản xuất. So với quy mô của doanh nghiệp trên thế giới, với quy mô 165% GDP, Trung Quốc đang là quốc gia có nợ công lớn nhất thế giới, lớn gấp đôi so với Mỹ và Đức".

Theo nhiều chuyên gia phân tích tài chính quốc tế, tình trạng nợ của Trung Quốc có nhiều điểm giống với tình hình ở Mỹ đã dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Đó là nợ tăng lên do tăng trưởng tín dụng kéo theo bùng nổ tín dụng không bền vững.

"Kinh tế Trung Quốc có mức độ hội nhập cao, là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới nên vấn đề nợ xấu hoặc phá sản của doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tạo ra tâm lý lo ngại, bi quan của thị trường. Rõ ràng, bất cứ biến động nào của kinh tế Trung Quốc cũng có tác động lan tỏa rất nhanh đến các nền kinh tế xung quanh. Ngoài ra, việc xử lý nợ xấu sẽ thu hẹp quy mô sản xuất của Trung Quốc trong ngắn hạn", TS Phạm Sỹ Thành cho biết thêm.

"Sự suy giảm của tăng trường kinh tế Trung Quốc cũng là mối lo ngại với những quốc gia có mối quan hệ thương mại với quốc gia này. Mỗi điểm phần trăm trong GDP Trung Quốc suy giảm có thể khiến các quốc gia nhập khẩu nhiều của Trung Quốc giảm 0,6 – 0,7 điểm phần trăm tăng trưởng. Đó là những tác động trực tiếp và không quốc gia nào mong muốn tình trạng này".

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước