NSƯT Công Lý: "Những người con Hà Nội" là một... mâm cỗ

ĐLNA-Thứ hai, ngày 18/08/2014 06:00 GMT+7

NSƯT Công Lý trong một cảnh của Những người con Hà Nội. Trong vở kịch, anh vào vai Ba Hổ - một đầu gấu của chợ Đồng Xuân. (Ảnh: ĐL.Nhân Ái)

Trò chuyện với VTV News về vở kịch Những người con Hà Nội – vở kịch hướng đến 60 năm ngày giải phóng thủ đô – của Nhà hát Kịch Hà Nội, NSƯT Công Lý nói anh cảm thấy tự hào và cảm động khi được góp một phần nhỏ vào vở kịch này. Ngoài vai trò trợ lý đạo diễn, Công Lý cũng tham gia một vai diễn nhỏ trong Những người con Hà Nội.

Gặp nghệ sĩ Công Lý một tuần sau khi vở diễn Những người con Hà Nội kết thúc 3 đêm diễn tổng duyệt – trước khi chính thức được công diễn rộng rãi cho khán giả xem vào trung tuần tháng 8 – thì điều dễ dàng nhận thấy khi nhắc về vở kịch này là sự háo hức ở anh. Công Lý tỏ ra đầy nhiệt huyết và hứng khởi khi nói về Những người con Hà Nội – vở kịch mà anh đã so sánh “như một mâm cỗ” của Nhà hát Kịch Hà Nội dành chào mừng 55 năm thành lập nhà hát và hướng đến 60 năm ngày giải phóng Thủ đô.

“Đề tài của Những người con Hà Nội không phải một đề tài mới vì ai cũng biết về câu chuyện đó rồi. Nếu là trên sân khấu thì khán giả cũng đã từng được xem rất nhiều những tác phẩm đã trở thành kinh điển như Hẹn ngày trở lại, Lũy hoa…” – nghệ sĩ Công Lý nói trong phần mở đầu cuộc trò chuyện.

Vậy tại sao các anh lại lựa chọn dựng một vở kịch với đề tài không mới như vậy?

- Chúng tôi hoàn toàn có thể lựa chọn dựng những kịch bản có đề tài mới hơn, những đề tài đương đại về Hà Nội trong hiện tại và không nhất thiết phải làm về đề tài đó. Tuy nhiên, chúng tôi muốn dựng vở kịch này và đây cũng là thế mạnh của Nhà hát Kịch Hà Nội. NSND – Đạo diễn Doãn Hoàng Giang cũng là người rất có kinh nghiệm làm những vở kịch hoành tráng như thế này.

Ngoài ra, một trong những lý do chúng tôi chọn kịch bản Những người con Hà Nội của tác giả Phạm Văn Qúy là vì đây cũng là dịp diễn ra Liên hoan sân khấu về Hà Nội và Nhà hát Kịch Hà Nội lại là đơn vị đăng cai tổ chức. Chúng tôi muốn có một cái gì đó để chào mừng sự kiện này và dựng vở Những người con Hà Nội là không gì thích hợp hơn. Chúng tôi hy vọng đây sẽ như một mâm cỗ dâng lên ngày kỷ niệm 55 năm thành lập Nhà hát Kịch Hà Nội và hơn nữa là 60 năm giải phóng Thủ đô.

Khi hội đồng nghệ thuật của thành phố, của Sở và Nhà hát quyết định duyệt vở này vào sản xuất, tất cả anh em trong nhà hát đều hừng hực khí thế. Toàn bộ lực lượng đã được huy động tham gia vở diễn. Đấy là điều tôi cảm thấy rất tự hào và cảm động. Tôi cũng rất vui khi mình là một nhân tố được đóng góp vào cái chung đó.

Không phải một đề tài mới, không nói là đã quá cũ – như chính anh thừa nhận. Vậy làm sao để Những người con Hà Nội cuốn hút và lôi kéo được người xem?

- Tôi nghĩ chúng tôi không cố tình làm cái gì đó mới hoặc khác biệt đi. Cái mới chúng tôi hướng đến ở đây chính là cảm nhận của khán giả khi xem vở diễn. Cá nhân tôi cảm thấy rất mừng vì công trình của chúng tôi.

‘ NSƯT Công Lý, diễn viên trẻ Tiến Lộc và Thu Hương trong một cảnh diễn. (Ảnh: ĐL.Nhân Ái)

Anh nghĩ khi vở diễn ra mắt sẽ thu hút khán giả không?

- Theo chủ quan của tôi, với mặt bằng sân khấu như hiện nay và trong một khuôn khổ nào đó, thì Những người con Hà Nội là một vở kịch đáng xem.

Điều anh hài lòng nhất ở vở kịch này– trong vai trò của một diễn viên cũng như một trợ lý đạo diễn – là gì?

- Đó chính là sự nhiệt huyết của các bạn diễn viên trẻ. Chúng tôi đã giao những vai chính cho những diễn viên trẻ. Các bạn ấy có thể chưa ở độ chín và vẫn còn thiếu kinh nghiệm nhưng khi tôi nhìn các bạn tập, các bạn diễn… tôi thấy được sự nhiệt tình, tôi thấy được sự hừng hực, sự cháy hết mình với vai diễn, với vở diễn của các bạn. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi có những người đàn em như thế. Họ ít được làm sân khấu nhưng khi được diễn, họ vẫn đau đáu và dồn hết tâm huyết.

Nhân anh nói về vấn đề này – các diễn viên ít được làm sân khấu – thì tôi muốn nói một chút về đời sống kịch của ngoài Bắc. So với trong Nam, đời sống kịch ngoài Bắc có vẻ khá trầm lắng. Anh nghĩ sự trầm lắng này do đâu?

- Sáng nay tôi vừa ngồi với một đồng nghiệp và anh ấy cũng hỏi một câu như bạn vừa hỏi. Đó là sao sân khấu kịch ngoài Bắc nó lại tù mù như thế trong khi ở trong Nam nó lại rực rỡ như thế?

Thú thật, đây là câu hỏi đã trở thành muôn thưở rồi. 10 năm trước người ta cũng đã từng đặt ra câu hỏi này nhưng đến bây giờ vẫn chưa có câu trả lời. Hoặc là nó có câu trả lời nhưng nó không mở và không giải quyết được.

Đây đâu phải một câu hỏi quá khó để trả lời?

- Cá nhân tôi nghĩ đấy là do văn hóa xem và quan niệm của khán giả 2 miền khác nhau.

Có phải chỉ là văn hóa xem? Thú thật, nếu không nhờ có một người bạn chung giữa tôi và anh thì tôi hoàn toàn không biết về Những người con Hà Nội để đến xem.

- Ý bạn là vấn đề truyền thông cho nó?

Đúng vậy! Tôi cảm thấy tiếc khi các diễn viên kịch bỏ ra rất nhiều công sức cho một vở diễn nhưng khâu cuối cùng – để khán giả biết và kéo khán giả đến nhà hát thì lại có vẻ như bị lơ là…

- Không phải chúng tôi không nhìn thấy điều đó. Tôi nghĩ việc xin một cái giấy phép để làm những việc như treo băng-zôn ở ngoài đường – giống như nhiều chương trình ca nhạc vẫn làm – không khó đối với chúng tôi. Đến cả những ông bầu cỏ còn làm được việc đó cơ mà?

Vậy tại sao mình không làm?

- Chúng tôi đã từng làm nhưng chúng tôi không thấy hiệu quả.

Tại sao người ta làm hiệu quả còn mình thì không? Tôi nghĩ truyền thông có rất nhiều cách.

- Cái này, nói thật, hơi vĩ mô. Có rất nhiều những cây đa, cây đề của ngành sân khấu, sau ngần ấy năm vẫn không trả lời được đừng nói là tôi. Tôi nhớ ngày trước, để mua được một tấm vé đi xem cải lương, xem kịch, phải xếp hàng đặt vé trước cả tháng mà có khi không thể mua được. Vậy tại sao bây giờ sân khấu kịch của chúng ta lại như thế này?

Tôi chỉ mạo muội nói ý kiến cá nhân của mình. Đó là ngày xưa thông tin đại chúng ít, chẳng có gì cả. Chỉ có báo và vô tuyến. Còn bây giờ, chỉ với internet thôi, người ta có thể ngồi ở nhà và xem được gần như tất cả mọi thứ.

Tôi nghĩ không phải chúng tôi không quan tâm mà là chúng tôi không thể làm được một cuộc cách mạng, một cuộc cải tổ được.

Diễn viên kịch ngoài Bắc có thể sống được bằng nghề không?

- Nếu nói ăn đồng lương của nhà hát và đi diễn sân khấu kịch thì tôi khẳng định là không. Các bạn diễn viên trẻ phải đi làm thêm những việc khác mới sống được. Người thì mở quán cà phê, người bán quần áo, người đi đóng phim… Nhưng có một điều tôi thấy vui là tinh thần của họ với sân khấu kịch thì vẫn còn. Các bạn ấy làm nhiều nghề khác để lấy cái đó nuôi tinh thần của họ với kịch và tôi nghĩ điều đó rất đáng quý. Tôi rất trân trọng tinh thần ấy của các bạn.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước