Trùng tu di tích văn hóa: Áo rách khéo vá hơn lành vụng may

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 08/04/2024 15:07 GMT+7

VTV.vn - Cùng với việc tuân thủ pháp luật, nâng cao hiểu biết, công cuộc trùng tu di tích đang trông chờ rất nhiều vào cái tâm của người trong cuộc.

Việt Nam đang có hơn 41.000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 9.000 di tích cấp tỉnh. Theo thời gian, các di tích khó tránh khỏi việc xuống cấp và hư hại. Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người giai đoạn 2025-2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo. Nhiều địa phương đã giành nguồn ngân sách lớn cho hoạt động này như Hà Nội, Huế, Hưng Yên, thành phố Hồ Chí Minh…

Tuy nhiên, công tác trùng tu di tích đang đặt ra nhiều thách thức. Bởi lẽ trùng tu di tích đảm bảo di tích giữ nguyên giá trị kiến trúc, thẩm mỹ, tăng khả năng chống đỡ lại tác động của thời gian không đơn giản. Trùng tu, tôn tạo di tích như thế nào mới là đúng, là hài hòa, là không can thiệp thô bạo?

Không ít di tích không chỉ kêu cứu vì xuống cấp hư hỏng mà còn bởi bị biến dạng, phá hủy khi trùng tu không đúng cách. Nhiều chuyên gia cho rằng trùng tu di tích văn hóa là việc làm khó đòi hỏi cách làm hay. Bảo tồn, tôn tạo di tích rất cần kinh phí nhưng quan trọng hơn cả là cần các giải pháp đề cao tính khoa học, trách nhiệm.

"Chúng ta có luật di sản, có các quy trình cho những công việc đó nhưng người ta có thể đi tắt, ăn bớt, lách luật. Lý do là bởi sự quan tâm ở mức độ nào đó của lãnh đạo chưa sát sao, phó mặc cho cơ quan nào đó; trình độ nhận thức của cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ chưa thật đầy đủ nên chưa lấy được ý kiến, tích hợp cơ sở khoa học của các chuyên gia. Thêm nữa, khi triển khai công việc chưa đầy đủ cơ sở và không tuân thủ theo đúng quy trình nghiêm ngặt", GS.TS Vũ Minh Giang – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chia sẻ.

Theo các chuyên gia công tác trùng tu phải đáp ứng hai yêu cầu: Yêu cầu của khoa học và yêu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Tuân thủ đúng yêu cầu khoa học giúp chúng ta nhận diện được hiện trạng, từ đó đề xuất những giải pháp tu bổ phù hợp. Tuân thủ quy định pháp luật lại là điều điều kiện cần thiết để đưa khoa học vào tu bổ di tích một cách triệt để nhất. Thực tế đã chứng minh ở những công trình dù lớn hay nhỏ khi hai yêu cầu này đồng thời được thực hiện sẽ đảm bảo việc trùng tu tôn tạo được thành công.

Cùng với việc tuân thủ pháp luật, nâng cao hiểu biết, công cuộc trùng tu di tích đang trông chờ rất nhiều vào cái tâm của người trong cuộc. Mỗi di tích văn hóa là một trầm tích, chứa đựng hồn cốt của dân tộc giữ lại cho hậu thế mai sau. Coi trọng trí tuệ của cha ông, coi trọng giá trị văn hoá, lịch sử của mỗi công trình sẽ giúp chúng ta tránh đi những cách ứng xử tùy tiện, vô lối. Sự cẩn trọng ấy là khởi đầu để những người làm công tác văn hóa tìm ra những giải pháp tối ưu gìn giữ vốn quý cha ông cho muôn đời sau.

Thách thức trong trùng tu di tích Thách thức trong trùng tu di tích

VTV.vn - Giải cứu các di tích xuống cấp vẫn là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp bởi chúng ta đang không chỉ thiếu kinh phí mà còn hạn hẹp nhiều nguồn lực khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước