Trải qua hàng trăm năm xây dựng, nhiều di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật trên khắp cả nước bị xuống cấp, hư hỏng nặng nề, cần được tu bổ, sửa chữa. Việc tu bổ, tôn tạo di tích tiếp tục được quan tâm trong dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người giai đoạn 2025-2030. Theo đó đến năm 2030 sẽ có 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo.
Các di tích đều có kiến trúc phức tạp, quy mô công trình quá lớn nên gây khó khăn trong việc phục hồi và tôn tạo. GS.KTS Hoàng Đạo Kính là một trong những chuyên gia từng tham gia khởi đầu công cuộc tu bổ di tích lịch sử theo khoa học. Ông nhận diện rõ thách thức của công tác trùng tu gắn với yêu cầu bảo vệ tuyệt đối tính độc bản, nguyên gốc. Ông ví dụ, di tích 3/4 làm bằng gỗ, hiện nay không còn gỗ tứ thiết nữa, không có vật liệu. Để tu bổ một ngôi đình cần hàng ngàn mét khối gỗ, vậy thì lấy đâu ra gỗ, nguyên vật liệu
Khát kinh phí, cạn tài nguyên. Để vượt khó bảo tồn tôn tạo di tích đòi hỏi cách làm hay. Thế nhưng thực tế lĩnh vực này ngày càng thiếu vắng chuyên gia giỏi, khan hiếm thợ lành nghề. Cả nước chỉ có 2 trung tâm tu bổ phục chế tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bảo tàng Lịch sử. Trong khi đó, các trường mỹ thuật lại chưa đào tạo chuyên ngành này.
Cùng với sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian thì chính sự chậm trễ của con người trong việc tìm giải pháp khắc phục đang đẩy nhiều di tích đứng trước nguy cơ trở thành phế tích. Thời gian qua, nhiều di tích dù được xác lập danh hiệu di tích cấp quốc gia, cấp thành phố nhưng đến nay gần như chỉ còn giá trị trên danh nghĩa, có di tích bị biến dạng hoàn toàn. Trong công tác bảo tồn di tích, trùng tu, tôn tạo đúng thời điểm là rất quan trọng bởi nếu không kịp thời, chúng ta khó có cơ hội trọn vẹn để bảo tồn, lưu giữ.
Hoang tàn, đổ nát là diện mạo của di tích quốc gia Đình làng Thần Quy, Phú Xuyên, Hà Nội trong suốt gần 20 chục năm chờ kinh phí trùng tu. Phục dựng giữ nguyên vị trí, quy mô nhưng đình khó có thể giữ được toàn bộ nét đặc sắc của một di tích kiến trúc nghệ thuật khi chỉ còn rất ít cấu kiện tái sử dụng khi chỉ cố giữ được 4 cái cột, các chân bồng. Từ năm 2014, xã đã làm tờ trình báo cáo về sự xuống cấp của đình. Khó khăn về nguồn lực, rào cản về thủ tục đã khiến công tác tu bổ tôn tạo di tích trượt quá thời điểm cần kíp.
Di tích càng xuống cấp, kinh phí trùng tu càng cao. Di tích quốc gia đình Trung, xã An Vĩ, huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Dù được hỗ trợ từ UBND tỉnh nhưng Đình Trung chỉ có thể hoàn thành tu bổ các hạng mục như: thay ngói, thay mới dui, hoành. Tường nhà, cấu kiện bằng gỗ vẫn đang trong tình trạng hư hỏng.
Ninh Bình có hơn 100 nhà cổ cần được bảo tồn. Nhiều nhà đã xuống cấp và đứng trước nguy cơ bị phá dỡ nếu không có biện pháp trùng tu kịp thời.
Rõ ràng việc sửa chữa tu bổ các công trình xuống cấp cần phải được xác định là nhiệm vụ cấp bách. Có như thế mới tránh được cảnh: kinh phí cho di tích mãi như muối bỏ bể, còn di tích lại trở thành phế tích.
Tính đến nay, trong hơn 41.000 di tích tại Việt Nam được thống kê, là có hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Số lượng di tích xuống cấp ngày càng nhiều, áp lực lên công tác trùng tu là càng lớn. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí Nhà nước thì khó có thể thực hiện công tác trùng tu trên diện rộng trong khi đó không phải di tích nào cũng có thể huy động nguồn lực lớn từ xã hội. Theo các chuyên gia, đã đến lúc, chúng ta cần nhìn nhận lại hiện trạng của các di tích để đánh giá lại tính khả thi của công tác trùng tu di tích. Từ đó tìm ra con đường đúng đắn để giải cứu di tích.
Ẩn chứa sau mỗi di tích là văn hóa, lịch sử. Di tích không dễ hình thành, lại rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất. Chính vì vậy, bảo tồn và phát huy di tích vừa là nhiệm vụ cấp thiết, vừa mang tính lâu dài. Thời gian tới tại nhiều địa phương với sự đầu tư tổng lực, việc tu bổ, tôn tạo, di tích sẽ là khối công việc đồ sộ, trách nhiệm nặng nề, khó, đòi hỏi tính khoa học, thận trọng của cả hệ thống chính quyền, các sở, ngành liên quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!