Văn hóa ứng xử Hà Nội: Sự thu nạp, dung hòa cái cũ và cái mới

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 10/12/2022 13:09 GMT+7

VTV.vn-Văn hóa ứng xử của người Hà Nội ngày nay có sự thu nạp, dung hòa của cái cũ và cái mới, sàng lọc những điều chưa hay, chưa đẹp để tạo thành một đô thị thanh lịch, văn minh.

Người Hà Nội luôn tự hào về nét thanh lịch đã làm nên nét đặc trưng văn hóa tính cách của mảnh đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến. Sự thanh lịch thể hiện ở cách đi đứng, ăn mặc, tác phong giao tiếp. Nhưng trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, nét thanh lịch đã thay đổi ít nhiều.

Năm 2018, trong Hội thảo do Hội Nhà văn tổ chức với chủ đề "Nâng cao phẩm chất Hà Nội trong sáng tạo văn học", nhiều nhà khoa học đã đặt câu hỏi về những cuộc di dân rất lớn về Hà Nội trong những năm qua, khai niệm bản sắc Hà Nội, phẩm chất người Hà Nội cần được hiểu như thế nào? Nét thanh lịch xưa không thể giống với ngày nay.

Xác định văn hóa ứng xử là một trong những giá trị cốt lõi tạo nên văn hóa người Tràng An, nhiều năm qua thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp nhằm xây dựng văn hóa ứng xử. Một trong số đó là xây dựng bộ quy tắc văn hóa ứng xử nơi công cộng ở địa bàn thành phố, trong đó có quy định những điều nên làm và không nên làm tại một số nơi công cộng. Ví dụ như không nói to, gây ồn ào, mất trật tự, không vứt rác bừa bãi, không vi phạm luật giao thông… Sau 5 năm triển khai, những nội dung của bộ quy tắc đã trở nên quen thuộc, trở thành thói quen của nhiều người dân Hà Nội.

Khi bộ quy tắc mới ban hành cách đây 5 năm, nhiều người cho rằng việc triển khai khó khả thi. Thế nhưng, cùng với việc hoàn thiện quy định của pháp luật, ý thức của người dân cũng được cải thiện nhiều hơn trong những năm qua. Trong lĩnh vực tâm lý, có một hiệu ứng gọi là "cửa sổ vỡ". Nếu một chiếc cửa sổ bị vỡ mà không sửa chữa, cứ để vậy thì những người đi ngang qua sẽ kết luật rằng không ai quan tâm, không ai chịu trách nhiệm trước hiện trạng này. Sự lộn xộn, đổ vỡ sẽ lan rộng. Nếu bạn nhận ra lỗ hoorng thì hãy xử lý ngày, dù nhỏ hay lớn. Như vậy, sự thay đổi trong văn hóa ứng xử bắt nguồn từ những điều rất nhỏ như trong bộ quy tắc. Điều đó cũng đòi hỏi sự vào cuộc từ phía chính quyền, những người sẽ trực tiếp bịt lại những lỗ hổng của ô cửa vỡ.

Văn hóa ứng xử Hà Nội: Sự thu nạp, dung hòa cái cũ và cái mới - Ảnh 1.

Ngược dòng lịch sử, Hà Nội hay Thăng Long xưa nay vốn là đất kinh kỳ, là nơi tụ hội của bốn phương. Người từ mọi vùng miền đến đây sinh sống, làm ăn, học tập mang theo những nét đẹp của quê hương mình. Những nét đẹp ấy đi theo sự gạn lọc của thời gian, hình thành những nét đẹp trong văn hóa và ứng xử của người Tràng An. Như vậy, có thể thấy thanh lịch Tràng An có được là do chính những người dân nơi đây với niềm tự hào và ý thức xây dựng một mảnh đất kinh kỳ làm nên, không phải bẩm sinh vốn có.

"Tất cả những người đến sinh sống ở đây mang đến những điều tốt đẹp ở nơi họ sinh ra, họ sống về nơi đây. Và họ cũng nhận những cái hay, cái đẹp ở đây để trộn hai điều đó vào với nhau, tạo ra nét mới cho đô thị. Sự thanh lịch vẫn có, ở đây không ai tô vẽ hay tự hào chỉ có Hà Nội mới có nhưng điều đó là thật. Tôi tin rằng nó không mất đi. Nó có thể biến đổi một chút nhưng cái cốt lõi của nét thanh lịch vẫn còn. Tôi lạc quan rằng những nét hay, nét đẹp như dòng hải lưu vẫn chảy trong đời sống của Hà Nội hôm nay", nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến bộc bạch.

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng chính là xây dựng văn hóa đô thị, lối sống đô thị. Tạo ra một lối sống đô thị có sự quyện hòa giữa nét cổ kính cổ truyền với hiện đại không phải điều dễ dàng thực hiện trong một sớm một chiều. Trong dòng chảy văn hóa, Hà Nội đang thu nạp và dung hòa những cái cũ và cái mới, sàng lọc những điều chưa hay chưa đẹp và nó cần sự chung tay của từng người dân, những người đang sống hàng ngày tại mảnh đất này.

Triển lãm thư pháp Thăng Long Hà Nội - “Một mối xa thư' mang đậm nét văn hóa phương Đông Triển lãm thư pháp Thăng Long Hà Nội - “Một mối xa thư" mang đậm nét văn hóa phương Đông

VTV.vn - Triển lãm là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước