Việt Nam cần những thành phố phát triển bền vững

Kiều Anh - Quang Toàn (VTV4)-Thứ năm, ngày 11/12/2014 06:00 GMT+7

Ảnh: Kiến thức gia đình

Phát triển thành phố bền vững đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng mà Việt Nam đang phấn đấu thực hiện.

Với mục đích chia sẻ với các nhà hoạch định chính sách và các kiến trúc sư Việt Nam những kinh nghiệm phát triển đô thị bền vững, hội thảo với chủ đề “Thành phố bền vững” vừa diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Chương trình Phát triển đô thị Hà Nội - Ile-de-France, Trung tâm Dự báo và Nghiên cứu đô thị và Cơ quan thương mại Pháp UBIFRANCE Việt Nam tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM.

Trong khuôn khổ hội thảo, 10 doanh nghiệp Pháp đã chia sẻ những cách tiếp cận mới về môi trường, cảnh quan và văn hóa để tạo ra sự bền vững cho đô thị Việt Nam.

Hiện, có 33% dân số Việt Nam đang sống tại các khu đô thị, tỉ lệ này có thể sẽ tăng lên 50% vào năm 2025. Các con số này cho thấy, đô thị Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép gia tăng dân số mạnh mẽ, những thách thức sinh học cũng như tính bền vững cho các thế hệ tương lai.

Những giải pháp được các kiến trúc sư Pháp đề xuất trong hội thảo nhằm xây dựng thành phố bền vững ở Việt Nam được các kiến trúc sư Việt Nam đánh giá cao.

Ông Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam nói: “Người Pháp đưa ra những quan niệm làm đô thị khác Việt Nam, họ tiếp cận bền vững ở khía cạnh tự nhiên, coi trọng cảnh quan, mặt nước, cây xanh, thậm chí cả nông nghiệp đô thị. Yếu tố thiên nhiên được coi là yếu tố cứng, là yếu tố bản sắc tạo ra sự bền vững. Quan niệm này không mới trên thế giới nhưng lại mới với cách phát triển đô thị của Việt Nam hiện nay. Tôi cho rằng đây là một cách tiếp cận tốt đi đến bền vững về môi trường sinh thái”.

Bà Christine Larousse, Kiến trúc sư quy hoạch cảnh quan đô thị, Công ty Interscene - Pháp cho rằng: “Thông qua các nghiên cứu của mình, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới tầm quan trọng của cảnh quan, nhất là bản sắc của cảnh quan. Có nghĩa là chúng tôi coi mỗi cảnh quan phải là đặc biệt, đô thị Việt Nam cần nhấn mạnh tính "duy nhất", tính "đặc biệt" của cảnh quan. Điều đó sẽ làm cho thành phố của các bạn hấp dẫn”.

Các kiến trúc sư Pháp cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa di sản đối với sự phát triển bền vững của thành phố Việt Nam. Và điều này có thể áp dụng cho mọi thành phố.

Ông Julien Schnell, Kiến trúc sư cao cấp, Giám đốc công ty Urbanica - Pháp nêu ý kiến: “Đầu tiên, các thành phố Việt Nam cần phát huy vai trò của các địa danh lịch sử. Các bạn cần có hành động để bảo tồn các địa danh này. Nghề thủ công ở trong thành phố cũng là yếu tố rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của một thành phố và cần phải được bảo tồn. Ở Pháp, chúng tôi đã mất đi hệ thống các phố nghề thủ công trong thành phố và chúng tôi thực sự tiếc nuối về điều đó”.

Tuy nhiên, một số kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ sự lo ngại rằng, những ý tưởng này mặc dù rất mới mẻ, nhưng có thể sẽ khó đưa vào thực tiễn. Theo các kiến trúc sư, Việt Nam cần có các chính sách khuyến khích ưu tiên giúp các thành phố phát triển theo hướng bền vững.

Ông Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam kiến nghị: “Nhà nước phải sửa đổi các quy định về luật pháp, quy chế, tiêu chuẩn, quy chuẩn để hướng tới phát triển xanh. Phát triển bền vững phải chắc chắn tiến tới sự cân bằng, vì bền vững chính là cân bằng”.

Các kiến trúc sư Pháp và Việt Nam đều chia sẻ quan điểm rằng, các thành phố Việt Nam muốn phát triển bền vững thì cần phải giải quyết ngay một số vấn đề tồn tại, chẳng hạn như ô nhiễm môi trường. Việt Nam nên xây dựng các "cực trung tâm" khắp nơi trong thành phố. Giải pháp này nhằm tránh tình trạng tập trung quá đông tại một điểm cũng như hạn chế sự di chuyển để tiết kiệm năng lượng và hạn chế sự phát thải.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước