Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu

Bích Ngọc - Tiến Vũ (VTV4)-Thứ bảy, ngày 18/04/2015 06:00 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên đối tác toàn diện thì hợp tác ứng phó BĐKH được xác định là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước.

Hạn hán diễn biến bất thường làm cho xâm nhập mặn trở nên nghiêm trọng hơn ở khu vực ĐBSCL là một trong những biểu hiện của tình trạng biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Là một trong những quốc gia châu Á đầu tiên đưa ra một kịch bản quốc gia về ứng phó với BĐKH và tình trạng nước biển dâng, chương trình này của Việt Nam nhận được sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế và các nhà tài trợ, trong đó có Hoa Kỳ.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Ban Đối ngoại, Đài THVN, ông Joakim Parker, Giám đốc Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã cho biết thêm về các dự án hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc ứng phó với BĐKH, hướng tới phát triển bền vững.

Xin ông cho biết những dự án của USAID đã thực hiện để giúp Việt Nam ứng phó với BĐKH và bảo vệ môi trường?

Ông Joakim Parker: Việt Nam đang tập trung vào hai cấp độ ứng phó ở mức toàn cầu là việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính, còn ở cấp quốc gia là khắc phục hậu quả do BĐKH gây ra. Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các tổ chức xã hội dân sự để ứng phó với BĐKH ở cả hai cấp độ này. Giám đốc USAID khu vực châu Á trong chuyến thăm Việt Nam mới đây đã tới tỉnh Long An để tìm hiểu về chương trình rừng và đồng bằng của chúng tôi đã hoạt động như thế nào trong trợ giúp cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương thích ứng và giảm thiểu thiệt hại do BĐKH gây ra. Ngoài ra, chúng tôi còn có các chương trình về phát triển năng lượng sạch, phát triển nông nghiệp bền vững… để đưa Việt Nam là một trường hợp điển hình về ứng phó với BĐKH.

Chúng tôi rất tự hào khi đang có dự án tại hai khu vực đồng bằng quan trọng của Việt Nam là Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL. Nước biển dâng có thể gây thiệt hại cho 40% khu vực ĐBSCL, còn Đồng bằng sông Hồng cũng rất dễ bị tổn thương bởi nước biển dâng, tuy nhiên lại chưa có nhiều dự án quan tâm đến khu vực này. Chúng tôi đang triển khai chương trình hỗ trợ cho nông nghiệp và sản xuất bền vững ở đây, tập huấn cho chính quyền và người dân địa phương các tỉnh Đồng bằng sông Hồng về canh tác nông nghiệp để giảm phát thải khí nhà kính, từ đó mở ra các phương án giảm thiểu thiệt hại do tình trạng nước biển dâng gây ra, phát triển nền kinh tế, giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời chủ động ứng phó với thiên tai, bởi Việt Nam đã và đang chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai hàng năm.

Ông đánh giá sự hợp tác trong lĩnh vực môi trường, ứng phó BĐKH có vai trò gì trong mối quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Hoa Kỳ?

Ông Joakim Parker: Khi hai quốc gia nâng cấp quan hệ lên đối tác toàn diện thì hợp tác ứng phó BĐKH được xác định là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước. Sau đó trong một cuộc nói chuyện với chúng tôi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, biến đổi khí hậu có lẽ là lĩnh vực hợp tác giàu tiềm năng nhất của hai nước và điều đó cũng được thể hiện qua những cam kết chính trị ở cấp cao nhất, ở rất nhiều các chương trình hợp tác thông qua USAID, EPA và nhiều tổ chức của Hoa Kỳ hoạt động trong lĩnh vực này. Đây rõ ràng là một trọng tâm trong quan hệ hợp tác song phương hai nước.

Xin ông cho biết kế hoạch triển khai các dự án ứng phó với BĐKH tại Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Joakim Parker: USAID và những cơ quan khác của Hoa Kỳ đều muốn thúc đẩy các hoạt động hợp tác với phía Việt Nam trong năm kỷ niệm 20 năm quan hệ hợp tác. Chúng tôi sẽ khởi động một chương trình mới về năng lượng sạch nhằm mục đích giúp Việt Nam tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời… Ngoài ra, chúng ta có thể đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH của các đô thị và vùng dân cư mà một giải pháp là giảm lượng khí thải nhà kính.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước