Đông Nam Á là một trong những nơi chịu tổn thương nặng nề nhất của biến đổi khí hậu

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 12/10/2023 06:06 GMT+7

VTV.vn - Với địa hình da dạng từ đất liền đến các quốc đảo, Đông Nam Á hứng chịu những loại thiên tai dữ dội nhất.

Hành động sớm trong quản lý thiên tai

Lũ lụt, nắng nóng và hạn hán là 3 loại thiên tai ám ảnh nhất của người dân khu vực ASEAN với biến đổi khí hậu, xảy ra bất kể lãnh thổ, địa hình. Để ứng phó với sự bất thường này, cộng đồng ASEAN đang chọn 1 hướng đi chung. Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban quản lý thiên tai ASEAN, Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình này, đặc biệt là việc hành động sớm trong quản lý thiên tai.

Những ngày này, lũ lụt ở Thái Lan dâng cao, cháy rừng ở Indonesia gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, lan sang cả Singapore. Còn Việt Nam thì liên tục trải qua mưa lũ, sạt lở từ Tây Nguyên ra tới miền Bắc.

Đông Nam Á là một trong những nơi chịu tổn thương nặng nề nhất của biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Cháy rừng ở Indonesia gây ô nhiễm không khí. Ảnh: AP

Đông Nam Á là một trong những nơi chịu tổn thương nặng nề nhất của biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Nhiều hộ dân ở Quỳ Hợp (Nghệ An) bị ngập do nước lũ dâng nhanh (Ảnh: TTXVN)

Trong bối cảnh thiên tai liên tục ập đến, cách 3 ngày, Hội nghị lần thứ 43 của Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai vừa diễn ra tại Hạ Long với nhiều nội dung bàn luận cụ thể về chiến lược thích ứng với thiên tai của cả khu vực.

Gần 100 đại biểu đến từ 10 quốc gia của khu vực đã họp bàn chi tiết về một số nội dung chính như: Triển khai quyết định của Lãnh đạo cấp cao có liên quan; thảo luận về Quy định tài chính của Quỹ Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp ASEAN; điều khoản về nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng thư ký ASEAN với vai trò là Điều phối viên Hỗ trợ nhân đạo ASEAN; nội dung hợp tác, thỏa thuận với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Việt Nam với tư cách Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai đã tiếp tục đưa ra nhiều sáng kiến. Trong đó có Tuyên bố Hạ Long, Tuyên bố Tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN.

ASEAN cùng nhau chia sẻ, phối hợp để phòng chống thiên tai

Đông Nam Á là một trong những nơi chịu tổn thương nặng nề nhất của biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

Hội nghị thường niên lần thứ 43 của Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai vừa diễn ra tại Hạ Long

Gần 50% người dân ASEAN nhận thức rõ biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đời sống của họ. Đây là một trong số những điểm đáng qua tâm trong Báo cáo về Khảo sát triển vọng khí hậu Đông Nam Á 2023 vừa được Viện Nghiên cứu Đông Nam Á công bố hồi tháng 9 vừa qua.

Kết quả khảo sát cho thấy, người dân ASEAN xác định, ba tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu hiện nay là lũ lụt, nắng nóng và hạn hán.

Cũng theo khảo sát, người dân ASEAN ngày càng quan tâm đến các vấn đề như loại bỏ trợ cấp nhiên liệu, thuế carbon quốc gia và ngừng sử dụng than. Có tới 68,7% người được hỏi ủng hộ thuế carbon quốc gia và trên 60% ủng hộ việc loại bỏ dần việc tiêu thụ than ngay lập tức hoặc vào năm 2030.

Để tạo ra một khu vực an toàn hơn, các quốc gia ASEAN đã cùng nhau chia sẻ và phối hợp để phòng chống thiên tai, bắt đầu từ dấu mốc của 20 năm trước.

7h58 sáng ngày 26/12/2004 trận động đất có độ lớn 9,1 ngoài khơi phía bắc đảo Sumatra gây ra cơn sóng thần cao tới 17,4 m quét qua các khu vực ven biển của Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan và 9 quốc gia khác. 230.000 người trên khắp 14 quốc gia thiệt mạng. Sự kiện này là động lực để ra đời Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp (AADMER). Hiệp định đã đặt nền móng vững chắc về mặt pháp lý cho sự hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật và huy động nguồn lực trong quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp trong khu vực.

Đông Nam Á là một trong những nơi chịu tổn thương nặng nề nhất của biến đổi khí hậu - Ảnh 4.

Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp (AADMER) ra đời

Ngay sau đó, Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong xử lý thảm họa (AHA) cũng đã được thiết lập tạo điều kiện cho các nước tăng cường phối hợp và hợp tác; Đồng thời, cũng là kênh chính thức phối hợp với các tổ chức của Liên hợp quốc cũng như các tổ chức quốc tế liên quan trong hoạt động ứng phó với các thảm họa.

Ủy ban ASEAN về Quản lý Thiên tai (ACDM) trong 20 năm hoạt động đã liên tục mở rộng việc hợp tác với các đối tác bên ngoài bao gồm các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức tài chính đa phương và các tổ chức phi chính phủ. Nỗ lực này thể hiện cam kết của ACDM trong việc hợp tác với các nước khác nhằm xây dựng khả năng phục hồi sau thảm họa trong khu vực.

Trong suốt hành trình hai thập kỷ của mình, các hoạt động của ACDM đã mang lại tiến bộ đáng kể trong việc phát triển quản lý thảm họa trong khu vực. Tuy nhiên trong bối cảnh rủi ro thiên tai ngày càng gia tăng, vẫn còn những thách thức phía trước. Bằng cách hợp tác cùng nhau trên tinh thần một ASEAN, một phản ứng chung, ASEAN sẵn sàng giải quyết những thách thức này và tiến tới là một tổ chức đi đầu về quản lý thiên tai.

Thế giới vừa trải qua một mùa thu bất thường. Và tất nhiên điều đó không ngoại lệ với khu vực Đông Nam Á, một trong những nơi chịu tổn thương nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Với địa hình da dạng từ đất liền đến các quốc đảo, Đông Nam Á hứng chịu những loại thiên tai dữ dội nhất. Không còn cách nào khác để cộng đồng ASEAN an toàn là cùng chia sẻ, nắm tay nhau để ứng phó sớm.

Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là ông Trần Quang Hoài, nguyên Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước