Giấy chứng nhận sức khỏe được 'đổ sỉ, bán lẻ' như bán rau

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 16/06/2023 19:59 GMT+7

VTV.vn - Từ 80.000 - 90.000 đồng xuống còn 30.000 - 35.000 đồng, giấy chứng nhận sức khỏe được bán như bán rau với số lượng lớn.

Làm khống giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khám sức khỏe để bán cho người lao động; lập hồ sơ để được quyết toán tiền bảo hiểm y tế là hành vi trục lợi bảo hiểm đã được phát hiện tại 6 phòng khám ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua.

19 bị can đã bị khởi tố để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Đại hiện bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định: Đây là hình thức trục lợi kép cả bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng trong đường dây chuyên mua, bán giấy xác nhận nghỉ bệnh, khám sức khỏe cho người lao động khai nhận bán mỗi tờ ăn chênh lệch 10.000 - 20.000 đồng. Ngoài ra, các đối tượng cũng khai báo, trong suốt thời gian dài vừa qua các đối tượng này đã cung cấp số lượng lớn cho các công ty có lượng công nhân lên đến hàng chục ngàn người.

Theo điều tra ban đầu của Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai), 6 phòng khám này đã làm khống hơn 130.000 giấy chứng nhận nghỉ bệnh để hưởng bảo hiểm xã hội và hơn 400 giấy khám sức khỏe để bán cho người lao động trên địa bàn.

Giấy chứng nhận sức khỏe được đổ sỉ, bán lẻ như bán rau - Ảnh 1.

Đồng thời, các phòng khám còn lập hồ sơ để quyết toán tiền bảo hiểm y tế. Được biết, 3 trong 6 phòng khám có ký hợp đồng với bảo hiểm xã hội trong thanh toán bảo hiểm y tế.

Từ thông tin của BHXH tỉnh Đồng Nai, Bảo hiểm xã hội Bình Dương đã rà soát, phát hiện 9 phòng khám tư nhân cấp giấy xác nhận bệnh không đúng quy định cho 720 công nhân và thu hồi 300 triệu đồng đã chi trả lương nghỉ bệnh cho công nhân.

Nhằm khắc phục tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ, chi sai chế độ BHXH và BHYT, BHXH tỉnh Bình Dương đang phối hợp rà soát việc cấp giấy nghỉ bệnh tại 22 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, nếu phát hiện vi phạm sẽ chuyển công an điều tra, làm rõ.

Các hình thức trục lợi bảo hiểm y tế

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang yêu cầu các địa phương thực hiện rà soát, kiểm tra, đặc biệt là các phòng khám tại các khu công nghiệp tránh tình trạng trục lợi. Đồng thời, việc giám định y tế và nhân lực y tế đăng ký hành nghề tại phòng khám được đưa lên hệ thống điện tử.

Trong năm 2022, Bảo hiểm xã hội Đồng Nai đã kiểm tra 3 phòng khám Tân Long, Long Bình Tân và Tam Đức và đã thu hồi hơn 5 tỷ đồng. Các phòng khám này đã chỉ định không phù hợp với chẩn đoán bệnh; bác sĩ thực hiện không có chứng chỉ hành nghề; bác sĩ khám bệnh tại phòng khám nhưng đóng bảo hiểm tại nơi khác; áp giá thanh toán không đúng quy định…

Qua hệ thống giám định thông tin, cơ quan bảo hiểm đã phát hiện nhiều hình thức trục lợi như chỉ định nhập viện không cần thiết, tăng ngày giường và chỉ định nhiều loại xét nghiệm không cần thiết.

Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh xây dựng các tiêu chí nhập viện để tránh tình trạng lãng phí, đồng thời cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất giao cơ quan BHXH có chức năng thanh tra lĩnh vực khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, từ đó đẩy nhanh việc phát hiện và xử lý cũng như tăng nặng mức xử phạt hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ Bảo hiểm Y tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước