Khi chính sách an sinh chưa theo kịp cuộc sống

Nguyễn Hằng, Hữu Thành-Thứ tư, ngày 17/05/2023 19:50 GMT+7

VTV.vn - Sau 8 năm thực thi đã xuất hiện nhiều bất cập khi Luật BHXH hiện hành cũng như một số Luật có liên quan đã không theo kịp với sự phát triển của đời sống xã hội.

Những điều chỉnh, bổ sung của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 đã mở rộng đối tượng tham gia cũng như chính sách thụ hưởng, chế tài với hành vi vi phạm và đặc biệt là đầu tư phát triển công nghệ để quản lý và thực thi BHXH trong bối cảnh chuyển đổi số. Tuy nhiên, sau 8 năm thực thi, đã xuất hiện nhiều bất cập khi Luật BHXH hiện hành cũng như một số Luật có liên quan đã không theo kịp với sự phát triển của đời sống xã hội. Điều này vô hình chung làm cho tính ưu việt của lưới an sinh không còn nổi trội so với những nghĩa vụ mà người lao động phải thực hiện khi tham gia vào hệ thống.

Cuối năm 2020, ứng dụng số BHXH được chính thức đưa vào sử dụng và chưa đầy 2 năm sau, đã có 26,3 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt. Tuy nhiên, công cụ số được xem là bước tiến quan trọng của Luật BHXH năm 2014 này chưa thật sự phát huy hiệu quả một cách toàn diện.

Không chỉ vướng trong các quy định thủ tục, các điều khoản về chế độ, chính sách thụ hưởng cũng cho thấy nhiều bất cập khiến cho người lao động cảm thấy phần nghĩa vụ đang có phần lấn lướt quyền lợi.

Theo ông Nguyễn Văn Cơ, Công ty TNHH Kỹ Thuật Daikou Việt Nam: "Nghỉ BHXH do con ốm, Luật quy định cha mẹ chỉ được nghỉ khi con từ 1-6 tuổi bị ốm. Vậy con từ 7-18 tuổi thì không bị ốm? con có thể tự đi khám bệnh và chịu trách nhiệm được sức khỏe của mình mà cha mẹ nghỉ đưa đi khám không được hưởng BHXH?".

Bà Võ Thị Huỳnh Trâm, Giám đốc nhân sự Công ty Sonion Việt Nam thì cho rằng: "Hiện tại, chế độ nghỉ ốm đau mình đang chỉ duyệt với mốc thời gian 1 ngày trong khi nhiều người chỉ cần nghỉ nửa ngày để đi khám bệnh cho con và cho mình nhưng họ phải làm đơn nghỉ 1 ngày. Điều này cũng ảnh hưởng đến tiền lương, thu nhập của người lao động".

"Sổ BHXH trở thành một công cụ để người lao động cầm cố. Đó là điều không ai mong muốn, người lao động cũng không muốn nhưng vì đời sống quá khó khăn nên họ buộc phải làm như vậy. Tại sao chúng ta không tạo điều kiện cho họ lĩnh sau 3 tháng, thậm chí 1 tháng?", bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Intel Việt Nam nói.

Có trường hợp quyết định từ bỏ hành trình đòi quyền lợi BHXH sau nhiều năm đeo đuổi, kể cả khởi kiện ra tòa. Sinh con không được hưởng quyền lợi thai sản, nghỉ việc cũng mất luôn trợ cấp thất nghiệp và BHXH 1 lần. Niềm tin vào lưới an sinh này bị sụt giảm và đây chính là nguyên nhân để số lượng người rời khỏi hệ thống năm sau luôn cao hơn năm trước.

Người lao động vẫn muốn gắn bó lâu dài với BHXH là khẳng định của rất nhiều công nhân lao động thông qua các buổi đối thoại với cơ quan chức năng, tổ chức đại diện cho người lao động, cũng như các cuộc tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội với cử tri công nhân. Tuy nhiên, để có được sự gắn bó lâu dài ấy thì những bất cập trong Luật BHXH hiện hành cần phải được điều chỉnh, bổ sung và cập nhật. Đây cũng chính là kỳ vọng của công nhân lao động với dự thảo Luật BHXH sửa đổi mà chính họ tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện và sớm đi vào đời sống.

Khi chính sách an sinh chưa theo kịp cuộc sống - Ảnh 1.

Tình trạng gia tăng số lượng người rút BHXH một lần trong năm 2022 và quý I năm 2023 có nguyên nhân từ việc thiếu đơn hàng khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Tuy nhiên, còn có một nguyên nhân sâu xa hơn khiến người lao động từ bỏ khoản lương hưu.

Chị Phan Thị Hồng Phượng, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Quận 7, TP. Hồ Chí Minh cho rằng: "Điều 73 dự thảo Luật BHXH sửa đổi tính mức lương hưu 75% là quá thấp. Không thể áp dụng mức đóng của năm 2000 để tính cho mức sống năm 2023".

Mặt khác, dù dự thảo Luật BHXH sửa đổi năm 2023 cũng đã bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội và các biện pháp xử lý, tăng cường chế tài để bảo đảm tính thực thi pháp luật bảo hiểm xã hội vẫn cần xem xét thêm để chế tài đủ mạnh và phát huy hiệu lực thực sự.

Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi hơn 150 trang tổng hợp ý kiến đóng góp của công nhân lao động, cơ quan chuyên môn cũng như các chuyên gia với dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Được xem là chính sách căn bản có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm của người lao động cũng như an sinh xã hội vì thế tiếp tục lắng nghe, chia sẻ để người lao động hiểu hơn về chính sách, đồng thời mang những kiến nghị, tâm tư này lên diễn đàn Quốc hội chính là nỗ lực góp phần hoàn thiện dự thảo Luật BHXH sửa đổi năm 2023.

Con số 60% số lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH vào năm 2030 là thách thức không nhỏ khi hiện mới đạt trên 38%. Tình trạng trốn đóng BHXH còn phổ biến, bình quân trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm, ảnh hưởng quyền lợi người lao động. Đó là những nguyên nhân cơ bản để xây dựng dự thảo Luật BHXH sửa đổi năm 2023. 

Với những ý kiến từ thực tiễn thực thi luật hiện hành, với tầm nhìn mới và sự cầu thị lắng nghe, dự thảo luật mới với định hướng gia tăng quyền lợi, có thêm lựa chọn để khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài sẽ góp phần đáng kể để giải quyết những vấn nạn làm lu mờ tính ưu việt của lưới an sinh này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước