Lo nhất làng nghề thủ công ngày càng mai một

Lê Hải-Thứ tư, ngày 04/10/2023 17:10 GMT+7

May áo dài truyền thống với hoa văn thêu tay ở TP Huế rất cầu kỳ, nhưng giờ cũng khó thu hút khách hàng

VTV.vn - Sản phẩm thủ công mỹ nghệ không phải ai cũng thích sử dụng. Nhưng lo nhất là người nghệ nhân làm thủ công mỹ nghệ ngày càng ít đi, làng nghề sẽ bị mai một.

Đó là chia sẻ của nhiều đại diện đến từ các làng nghề, hợp tác xã hay đơn giản chỉ là hộ gia đình đang sản xuất các mặt hàng là thủ công mỹ nghệ truyền thống với phóng viên VTV News khi đang tham gia một buổi hội chợ tại Hà Nội.

Có mặt tại gian hàng mây tre đan của anh Trung đến từ làng nghề thủ công mỹ nghệ Phú Nghĩa , huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội chia sẻ với chúng tôi: "Giờ người dân biết đến để mua sản phẩm này nhiều hơn một chút. Tuy nhiên, cũng có nhiều cái khó bởi giá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm ra thì sẽ có giá khác với hàng công nghiệp, nên nếu giá cao quá thì khó tiếp cận khách hàng. Ví dụ như tay tôi đang cầm một cái âu này, để làm ra được sản phẩm bán với giá khoảng 140 nghìn đồng thì phải mất 1 ngày, trong đó nguyên liệu hết khoảng 45 nghìn đồng rồi thì công 1 ngày của người nghệ nhân chỉ chưa đến 100 nghìn... Nên giờ, giữ nghề chủ yếu người trung niên, người già ở làng làm thôi. Người trẻ họ sẽ đi làm công ty, hoặc ngành nghề khác dễ kiếm tiền hơn so với nghề này".

Anh Nguyễn Dũng, đại diện một gian hàng đến từ làng nghề Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ chia sẻ: "Hàng thủ công mỹ nghệ này trước giờ tôi hay xuất khẩu Châu Âu là chính vì họ dùng hàng thân thiện môi trường. Nhưng 2 năm nay khó khăn nên hàng xuất đi cũng bị ảnh hưởng. Trong nước chưa dùng mấy sản phẩm truyền thống mây tre đan này vì khí hậu ẩm, dễ mốc và không dùng được lâu. Cả làng Phú Nghĩa của chúng tôi phải lên đến gần nghìn hộ gia đình nhưng đa phần là người già, trung niên và yêu nghề mới làm nghề này".

Cùng nỗi băn khoăn cho sản phẩm nghề truyền thống, Bà Nguyễn Hạnh, đại diện đến từ gian hàng chuyên làm áo dài truyền thống của TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: "Gia đình bà làm nghề thủ công, thêu tay, vẽ tay và tạo ra những chiếc áo dài truyền thống từ những năm 1992 đến giờ… tuy nhiên, các sản phẩm này bán được chỉ với những người có ý thức về bảo tồn văn hóa thì tìm mua nhiều, ngoài ra, khách du lịch đến Việt Nam thấy thú vị họ cũng mua chứ bán đại trà thì hiện nay rất khó. Vừa khó do là hàng thủ công, vừa khó do hàng áo dài công nghiệp ra nhiều, vừa rẻ nữa, mẫu mã thay đổi liên tục thì nếu đơn giản chỉ vì mua một chiếc áo dài để mặc mà không cần quan tâm đến hàng truyền thống, thủ công, thì mặc nhiên nhiều người sẽ chọn hàng công nghiệp vì dễ tìm, dễ mua và giá cả có thể phù hợp hơn..".

Lo nhất làng nghề thủ công ngày càng mai một - Ảnh 1.

Bà Hạnh đang thêu hoa văn cho chiếc áo dài truyền thống

Không chỉ khó bán, lo lắng hơn của Bà Hạnh, chính là cái lo chung của ngành thủ công mỹ nghệ, đó là mất dần các nghệ nhân, những người có kinh nghiệm vì ngày càng nhiều người bỏ nghề. Bà Hạnh chỉ tay vào con gái mình và nói : "Đó, con gái mình phải động viên lắm, thậm chí năn nỉ mới làm đấy... Làm ra 1 chiếc áo dài truyền thống bằng tay mất cả ngày đến vài ngày trời, trong khi công nghiệp làm nhanh. Nên nghệ nhân làm sản phẩm bằng tay đã không cạnh tranh được với máy móc, trong khi người làm nghề truyền thống lại chỉ biết làm nghề, không biết làm truyền thông nên càng khó để tiếp cận nhiều khách hàng. Hiệp hội may mặc tỉnh Thừa Thiên Huế của chúng tôi đôi khi các nghệ nhân ngồi với nhau cũng buồn, buồn một phần vì khó khăn trong bán ra sản phẩm, buồn nhiều hơn là sợ làng nghề mai một vì giờ chỉ còn những người yêu nghề, yêu làm ra những chiếc áo dài bằng thủ công còn tiếp tục thôi".

Việc sản phẩm thủ công mỹ nghệ giảm sức hút, nhiều người chia sẻ một phần do mẫu mã cũng thường chậm cải tiến, rồi việc làm thị trường để đưa tới tay người tiêu dùng cũng không phải là thế mạnh.

Bà Tống Thị Xuyến, đến từ HTX sản xuất chè sạch Liên Minh, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ với VTV News: "Mình làm chè sạch thường cần dùng nhiều đồ thủ công mỹ nghệ để bày biện cho khách, rồi để làm giỏ đựng nhưng các sản phẩm này mua ở Thái Nguyên không có. Hôm nay nghe ở dưới này tôi và bà con trong HTX hơn 30 người thuê 1 chiếc xe xuống đây để thăm và mua các sản phẩm mây tre đan thủ công về bày chè." Bà Xuyến vui vẻ khi mua được những đồ mình thích và giơ lên nói: "Mua rất nhiều món, nhưng giá cả thấy cũng bình bình không cao, giá mà trên Thái Nguyên có thì tốt biết mấy"

Lo nhất làng nghề thủ công ngày càng mai một - Ảnh 2.

Bà Tống Thị Xuyến từ Thái Nguyên xuống Hà Nội để mua những sản phẩm thủ công mỹ nghệ về bày biện chè

Lo nhất làng nghề thủ công ngày càng mai một - Ảnh 3.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ cói ở Nga Sơn, Thanh Hóa

Lo nhất làng nghề thủ công ngày càng mai một - Ảnh 4.

Mỗi sản phẩm mây tre đan mất cả nửa ngày đến 1 ngày mới làm được, nhưng lại không mang lại thu nhập cao cho người làm nghề

Lo nhất làng nghề thủ công ngày càng mai một - Ảnh 5.

Để duy trì nghề thủ công mỹ nghệ, nhiều nghệ nhân đang phải đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm

Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, thu hút hơn 13 triệu lao động, mang lại giá trị xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD/năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước