Mơ hồ trách nhiệm sau những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 26/07/2020 09:06 GMT+7

VTV.vn - Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về ATGT trên địa bàn quản lý thế nhưng sau mỗi vụ tai nạn, câu hỏi trách nhiệm lại được đặt ra và câu trả lời vẫn còn mơ hồ.

Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc tới vụ tai nạn làm 8 người thiệt mạng và 7 người bị thương xảy ra vào rạng sáng ngày 21/7 tại đoạn đường qua xã Tân Đức, huyện HàmTân, Bình Thuận. Những vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên mọi tuyến đường vẫn còn những tồn tại, bất cập cần sớm khắc phục.

Trong vụ tai nạn tại Bình Thuận, nguyên nhân ban đầu được xác định do xe khách chạy lấn làn sang đường ngược chiều, đấu đầu xe tải. Nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao đoạn đường trên lâu nay không có dải phân cách giảm thiểu các vụ vượt ẩu. Trong khi đó, trên tờ Tuổi trẻ, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho biết, đoạn đường trên là điểm đen, từng xảy ra nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trước đó và địa phương đã nhiều lần kiến nghị khắc phục lắp thêm dải phân cách.

Từ năm 2017, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh dự án cải tạo nền mặt đường quốc lộ 1 đoạn này theo hình thức BOT, trong đó bổ sung lắp đặt dải phân cách gần 20 km. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ lắp được khoảng 6,3 km. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, nguyên nhân dự án chậm triển khai do nhà đầu tư đang gặp khó khăn về kinh tế.

Theo tờ Người lao động, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, sắp tới sẽ rà soát để đưa các khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn nghiêm trọng và đoạn đường để lắp dải phân cách. Đồng thời, đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát và xử phạt mạnh việc vi phạm an toàn giao thông. Ban đêm cũng phải tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, tờ Tiền Phong ghi lại ý kiến của ông Tuấn trong cuộc làm việc với tỉnh Bình Thuận.

Mơ hồ trách nhiệm sau những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng - Ảnh 1.

Hiện trường vụ xe khách lao xuống vực ở Kon Tum.

Thực tế, từ nhiều năm nay, người ta không còn lạ với những vụ tai nạn nghiêm trọng ở quãng đường này và nó được gọi là "cung đường tử thần". Thế nhưng, không chỉ có một cung đường tử thần. Cách đây gần 2 tuần, một xe khách lao xuống vực ở khu vực huyện Sa Thầy, Kon Tum khiến 5 người thiệt mạng hay vụ xe chở khách lao xuống khu vực huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc hồi tháng 4/2020 cũng làm cho 4 người chết tại chỗ.

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông không còn mới đó là hệ thống đường sá chưa đồng bộ, xuống cấp, lượng phương tiện tham gia giao thông tăng quá nhanh, ý thức của người tham gia giao thông còn kém… Tờ Người lao động bình luận, mất an toàn giao thông sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy về xã hội. Không có gì quý trọng hơn tính mạng con người nên đây là vấn đề cần ưu tiên cấp bách nhất. Càng chậm chạp càng phải trả giá đắt.

Trong hệ thống chính trị ở địa phương, nếu xét về chức năng, nhiệm vụ, Ban ATGT được cơ cấu đủ thành phần quan trọng: Chủ tịch tỉnh là Trưởng ban, Phó ban chuyên trách thường là một Phó Chủ tịch tỉnh, Giám đốc Sở GTVT, Phó Giám đốc Công an tỉnh… Tương tự như vậy, ở cấp huyện, xã đều có chung cơ cấu. Quy định đã rất rõ: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về an toàn giao thông trên địa bàn quản lý thế nhưng sau mỗi vụ tai nạn, câu hỏi trách nhiệm lại được đặt ra và câu trả lời vẫn còn mơ hồ, tờ Tiền Phong bình luận.

Các quan chức đứng đầu đều biết rõ thực trạng và nguyên nhân. Vấn đề là các vị này không hành động hoặc chưa hiệu quả. Phải chăng do chưa có Trưởng ban ATGT nào bị xử lý nghiêm nên các vị ấy lơ là?

Liên quan đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại Bình Thuận, Quảng Ninh và Kon Tum trong tháng 7, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về khắc phục hậu quả, không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ. Trong đó, yêu cầu các cơ quan chức năng có phương án tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm đối với xe chở khách, xe chở hàng hóa hoạt động trong thời gian từ 21h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau. Huy động mọi nguồn lực để xử lý triệt để các điểm đen về tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ đặc biệt là các đoạn đường đèo dốc.

Cung đường 'đen' tai nạn giao thông ở Bình Thuận: Hẹp, không dải phân cách, nhiều đoạn cong cua Cung đường "đen" tai nạn giao thông ở Bình Thuận: Hẹp, không dải phân cách, nhiều đoạn cong cua

VTV.vn - Tuyến đường dài gần 50km có mặt đường rất hẹp, không có dải phân cách giữa, một số vị trí có yếu tố kỹ thuật bị giới hạn như cầu hẹp, nhiều đoạn cong cua liên tiếp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước