Đội bóng Hà Nội của người Hà Nội: Biết đến bao giờ?

Theo Hoàng Huy (Thể thao và Văn hóa)Cập nhật 10:00 ngày 14/02/2013

Dù có thời điểm bóng đá Thủ đô có tới 4 đại diện ở V-League và giải hạng Nhất, nhưng vắng vẻ vẫn là cảnh tượng thường trực ở sân Hàng Đẫy. (Ảnh: VSI)

 Rồi những mùa đông lại đến, nhưng một đội bóng có thể coi là đứa con tinh thần đích thực của người hâm mộ thì vẫn chưa biết bao giờ mới xuất hiện, dù trong lịch sử V-League nói riêng và lịch sử bóng đá Việt Nam ở cấp độ CLB nói chung, Hà Nội chưa bao giờ thiếu vắng đại diện ở giải VĐQG.

Sau khi 2 đội bóng của bầu Kiên là CLB BĐ Hà Nội và Trẻ BĐ Hà Nội rơi vào hoàn cảnh “chết lâm sàng”, nghĩa là dù không đăng ký tham dự mùa bóng 2013, nhưng 2 đội bóng này lại không giải thể, như là một cách để buộc các cầu thủ đang còn thời hạn hợp đồng với CLB phải thanh toán tiền đền bù rồi mới được ra đi, Hà Nội chỉ còn 2 đại diện ở mùa bóng 2013 là HN.T&T (V-League) và Trẻ HN.T&T (hạng Nhất).

Về lý thuyết mà nói thì người hâm mộ Thủ đô chẳng thể phàn nàn gì, khi ở 2 hạng đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam đều có sự hiện diện của 2 đội bóng mang tên Hà Nội, nhưng để được coi là đội bóng thực sự của Hà Nội, đâu thể đơn giản chỉ bằng cách ghép chữ Hà Nội vào tên đội bóng và đặt trụ sở ở Thủ đô là xong?

Hãy nhìn những trận đấu của HN.T&T trên sân nhà Hàng Đẫy kể từ khi đội bóng này xuất hiện ở V-League 2009 là đủ hiểu HN.T&T vẫn còn phải đi một chặng đường rất xa nữa mới có thể được xem như đứa con tinh thần đích thực của người hâm mộ bóng đá Thủ đô.

Thực ra lãnh đạo HN.T&T cũng đã rất chú trọng tới việc tìm cách lôi kéo sự chú ý của CĐV Hà Nội, chẳng hạn như tăng thêm chất Hà Nội cho HN.T&T bằng sự xuất hiện của hàng loạt cầu thủ hoặc quan chức là người Hà Nội, trả tiền lương cho một số CĐV ở Hà Nội để họ tới sân cổ vũ cho đội bóng trong mỗi trận đấu trên sân nhà…

Tuy nhiên, tất thảy những nỗ lực này đến nay vẫn chưa mang lại kết quả nào, khi lượng khán giả của HN.T&T chưa bao giờ lấp kín khán đài sân Hàng Đẫy vốn chỉ có sức chứa tối đa chừng 2,5 vạn người. Thậm chí, mỗi khi HN.T&T gặp Thanh Hóa hay SLNA, những đội bóng có lực lượng CĐV xa quê hương rất đông đảo, nhiều khi còn có cảm giác như HN.T&T đang thi đấu trên sân khách, bởi CĐV của họ tại sân Hàng Đẫy bị lấn át cả về số lượng cũng như khí thế.

Mà nên nhớ rằng HN.T&T hiện được xem là đội bóng có lối chơi đẹp mắt và hiệu quả nhất V-League, và sau trường hợp của Thể Công năm 1998 thì chính HN.T&T, với chức vô địch V-League 2010, là đội bóng Thủ đô đầu tiên mang danh hiệu quán quân giải VĐQG trở lại sân Hàng Đẫy sau 12 năm.

Một CLB vừa có thành tích vừa có tham vọng, lại sở hữu rất nhiều ngôi sao cùng lối chơi đẹp mắt, và không thiếu cầu thủ bản địa, nhưng cuối cùng vẫn chưa được CĐV Hà Nội xem như đội bóng “ruột”, đấy thực sự là một nỗi buồn với HN.T&T nói riêng và bóng đá Hà Nội nói chung.

Và ngay cả khi đã hội tụ đầy đủ điều kiện để chinh phục khán giả như HN.T&T mà còn thất bại với nỗ lực “đánh chiếm” trái tim của người hâm mộ bóng đá Thủ đô, thì đừng hỏi vì sao những đội bóng mang tên Hà Nội của bầu Kiên hay bầu Long, bầu Tuấn của Hoà Phát trước đây lại càng không bao giờ được xem như là đại diện thực sự của Hà Nội trên bản đồ bóng đá Việt Nam.

Trong khi đó, cho tới trước khi bị chuyển giao, Thể Công trên danh nghĩa là một đội bóng của ngành Quân đội, nhưng thực tế thì người Hà Nội qua rất nhiều thế hệ đã coi đây như là đội bóng thực sự, là đứa con tinh thần thực sự của bóng đá Thủ đô, và ngay đến thời điểm hiện tại, vẫn có rất nhiều CĐV Hà Nội ở thế hệ 8x trở về trước còn đau đáu với nỗi day dứt rằng không biết đến bao giờ mới thấy lại hình ảnh hào hoa mà dũng mãnh của Thể Công trên sân cỏ Việt Nam.

Rất dễ để lý giải điều này, bởi trong đội hình Thể Công trước đây có rất nhiều cầu thủ gốc gác Hà Nội, họ gắn bó với đội bóng từ khi còn rất nhỏ, và chính họ đã trở thành hạt nhân để lôi kéo người thân của mình, bao gồm họ hàng, bạn bè qua các thế hệ, trở thành những nhóm CĐV “lõi” của Thể Công, và sự hợp lại của rất, rất nhiều nhóm CĐV “lõi” ấy đã biến thành cả một cộng đồng CĐV Thể Công ở Hà Nội.

Cái bí quyết tưởng chừng như đơn giản ấy lại đang là nhiệm vụ bất khả thi với các đội bóng mang tên Hà Nội ở V-League và giải hạng Nhất, bởi giữa họ với người hâm mộ bóng đá Thủ đô gần như không có sự liên hệ hay gắn kết nào, và bản thân tên gọi hay cả sự tồn tại của các CLB này cũng có thể bị thay đổi, chuyển giao hoặc xóa sổ vào bất cứ lúc nào.