Nhật Bản, Iran nỗ lực phá vỡ thế bế tắc về đàm phán hạt nhân

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 21/12/2019 06:39 GMT+7

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trsi) và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Ảnh: AP.

VTV.vn - Ngày 20/12, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tới Tokyo và có cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo.

Ông Rouhani trở thành nhà lãnh đạo Iran đầu tiên thăm Nhật Bản trong gần 2 thập kỷ. Chuyến thăm của ông Rouhani được coi là một phần trong các nỗ lực của Tehran nhằm tăng cường quan hệ với Nhật Bản.

Các chuyên gia nhận định Tehran hi vọng Tokyo sẽ nối lại việc nhập khẩu dầu thô. Ngoài ra, chuyến thăm này cũng nhằm phá vỡ thế bế tắc liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015, trong bối cảnh Mỹ đang đẩy mạnh chiến dịch gây sức ép tối đa đối với Iran.

Phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Iran, Thủ tướng Abe cho biết Nhật Bản sẽ làm mọi điều có thể nhằm đảm bảo sự ổn định ở Trung Đông.

Năm 2019 là năm Nhật Bản - Iran kỷ niệm 90 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Iran đã đẩy Tokyo vào thế khó khi Washington là một đồng minh an ninh, còn Iran là nguồn nhập khẩu dầu của Nhật Bản.

Vai trò đầu tiên thấy rõ và nổi bật của Nhật Bản là trung gian hòa giải khi mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền Tổng thống Iran Hassan Rouhani không thể tiến hành các cuộc đối thoại thì Thủ tướng Abe Shinzo đã có các cuộc đối thoại song phương với cả phía Mỹ và Iran.

Một vai trò nữa là Nhật Bản đang thúc đẩy cộng đồng quốc tế cùng chung tay giải quyết vấn đề Iran. Năm 2019, Nhật Bản là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G20, còn Pháp là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G7, cả Thủ tướng Abe Shinzo và Tổng thống Emmanuel Macron đều đã đưa nội dung hòa giải Mỹ - Iran trong phần nghị sự tại các hội nghị quốc tế quan trọng này.

Một vai trò nữa cũng được dư luận quốc tế nhìn nhận là vai trò tác động khi Nhật Bản đã sử dụng sức mạnh và uy tín của mình để tác động đến không chỉ phía Mỹ và Iran mà cả các quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan.

Ngoài vấn đề trung gian giữa Mỹ và Iran, Nhật Bản còn tìm thấy lợi ích trong mối quan hệ tốt đẹp với Iran.

Lợi ích đầu tiên phải kể đến là dầu thô vì Nhật Bản phụ thuộc khoảng 87% lượng dầu thô từ khu vực Trung Đông. Nếu bất ổn xảy ra đối với khu vực này có thể sẽ làm khủng hoảng ngành năng lượng từ dầu thô và khí đốt, vấn đề an ninh năng lượng sẽ đặt ra đối với Nhật Bản, một đất nước được cho là nghèo tài nguyên.

Điểm lợi thứ hai là Nhật Bản cũng không muốn làm tổn thương đến quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ và đồng thời cũng không muốn làm mất đi quan hệ hữu nghị với Iran được xây dựng kể từ cuộc cách mạng Iran năm 1979, hòa giải Mỹ - Iran là cách tốt nhất để Nhật Bản thoát khỏi "tình thế trắc trở" này.

Ngoài ra, một số nhà phân tích cho rằng, nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump dồn sức quá nhiều cho vấn đề Iran nói riêng và Trung Đông nói chung, thì sẽ giảm nhẹ mối quan tâm là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, một lợi ích an ninh sát sườn của Nhật Bản.

Có thể thấy, Nhật Bản có lợi ích lớn khi mối quan hệ giữa Mỹ và Iran hạ nhiệt. Tuy nhiên, nhiệm vụ của Nhật Bản được đánh giá là khá khó khăn khi mà Tổng thống Trump luôn muốn gây sức ép tối đa lên Iran, thậm chí bỏ ngỏ khả năng hành động quân sự nhằm vào Tehran. Trong khi đó, Iran cũng chưa cho thấy sự nhượng bộ khi đã phá giới hạn làm giàu urani trong năm 2019.

Nhật Bản kêu gọi Iran đóng vai trò xây dựng tại Trung Đông Nhật Bản kêu gọi Iran đóng vai trò xây dựng tại Trung Đông Thủ tướng Nhật Bản mong muốn làm trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran Thủ tướng Nhật Bản mong muốn làm trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran Nhật Bản lên kế hoạch ngừng nhập dầu từ Iran Nhật Bản lên kế hoạch ngừng nhập dầu từ Iran

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước