Đấu tranh phòng chống tham nhũng: Cần những giải pháp đồng bộ

Lê Thị Hằng - Lã Hoàng Trung-Thứ sáu, ngày 03/05/2024 17:20 GMT+7

Ảnh minh hoạ

VTV.vn - Trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, việc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã trở thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với tầm nhìn và cam kết của mình, Đảng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo sự trong sạch, minh bạch và công bằng trong hoạt động của cán bộ, đảng viên và toàn bộ xã hội. Dù vậy, để đạt được những mục tiêu này, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng đứng trước những thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khóa VII đã nhấn mạnh sự nghiêm trọng của tệ tham nhũng, hối lộ, và ăn chơi phung phí tài sản của nhân dân, đồng thời lưu ý rằng những hành vi này không chỉ gây tác hại lớn đối với hình ảnh của Đảng mà còn ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Các kỳ Đại hội Đảng khóa VIII, IX, X, XI, XII cũng nhất trí với quan điểm này, khẳng định rằng tham nhũng đang là một trong những vấn đề nguy hiểm nhất, gây ra những hậu quả nghiêm trọng không chỉ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế mà còn ảnh hưởng đến văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.

Đại hội XIII của Đảng đề ra phương châm: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Quán triệt, triển khai phương châm đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính chiến lược, vừa có trọng tâm, trọng điểm, ngày càng đi vào xử lý về bản chất, gốc rễ của vấn đề tham nhũng, tiêu cực.

Đấu tranh phòng chống tham nhũng: Cần những giải pháp đồng bộ - Ảnh 1.

Quang cảnh Đại hội XIII của Đảng

Việt Nam hiện đang đóng góp tích cực vào các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế, trong đó phòng chống tham nhũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường sự tin cậy chính trị và tạo ra môi trường đan xen lợi ích với các đối tác quốc tế. Đất nước ta đã không ngừng đẩy mạnh đàm phán và ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp, thỏa thuận hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm với các nước, cũng như phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế để xử lý các tội phạm tham nhũng.

Việt Nam cũng đã tham gia tích cực vào nhiều sáng kiến và diễn đàn quốc tế nhằm nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm trong việc phòng, chống tham nhũng, cam kết thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng theo đúng lộ trình và pháp luật của Việt Nam. Những nỗ lực này của Việt Nam không chỉ là một minh chứng cho sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc phòng, chống tham nhũng mà còn là một phần quan trọng của cam kết của nước ta đối với cộng đồng quốc tế, góp phần xây dựng một cộng đồng toàn cầu trong sạch, công bằng và phát triển.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ra sức thực thi các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, cụ thể hóa chúng thông qua các chính sách và pháp luật nhằm tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tiêu biểu là việc ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 với 10 chương, 96 điều đã tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xử lý các hành vi tham nhũng. Sự đồng bộ và hiệu quả trong việc thực thi các biện pháp này đang là một yếu tố then chốt trong việc ngăn chặn và giảm thiểu tham nhũng trong xã hội.

Trong 38 năm đổi mới, Đảng ta không ngừng khẳng định sự quyết tâm trong việc giữ vững và đổi mới sự lãnh đạo của mình, nhấn mạnh rằng chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quyết định số 205-QĐ/TW và sau đó là quy định số 114-QĐ/TW, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành, đã đặt ra các hướng dẫn cụ thể và chặt chẽ về việc kiểm soát quyền lực, phòng chống chạy chức, chạy quyền, và thực thi phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chính sách và biện pháp mới này đã mở ra một cách tiếp cận toàn diện hơn trong việc đấu tranh chống tham nhũng. Không chỉ tập trung vào các hành vi tham ô, đưa hối lộ, nhận hối lộ, chiếm đoạt và thất thoát tài sản nhà nước, mà còn mở rộng ra cả khu vực ngoài nhà nước, nhấn mạnh vào vai trò của các tổ chức lãnh đạo, quản lý và trách nhiệm của các cá nhân đứng đầu, đồng thời liên kết việc phòng chống tham nhũng với tiêu cực.

Trong quá trình này, xây dựng Đảng không chỉ dừng lại ở việc rèn luyện cán bộ về mặt chính trị, mà còn là việc xây dựng về đạo đức và tư tưởng. Sự liêm chính và đạo đức của từng đảng viên, cán bộ là yếu tố quan trọng để đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Mỗi cán bộ, Đảng viên cần thực hiện nguyên tắc tu dưỡng đạo đức suốt đời, kết hợp giữa việc xây dựng và chống tham nhũng, và tạo ra một môi trường làm việc trong sạch, công bằng, và minh bạch. Phòng, chống tham nhũng không chỉ là nhiệm vụ của một cá nhân hay một nhóm nhỏ, mà là trách nhiệm của toàn dân. Mỗi cán bộ, Đảng viên và công dân cần phải tỉnh táo, có ý thức, và sẵn lòng chấp nhận những thách thức, khó khăn trong việc xây dựng một xã hội trong sạch, công bằng và phát triển. Chỉ thông qua sự đoàn kết và nỗ lực chung của toàn dân, mới có thể vượt qua được những thử thách này và đạt được mục tiêu cao cả của Đảng và Nhà nước.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát các hoạt động của cán bộ, công chức và các tổ chức. Việc phát hiện, điều tra và xử lý các trường hợp tham nhũng được thực hiện một cách nghiêm túc và không khoan nhượng. Đơn cử như vụ đại án Vạn Thịnh Phát với 86 bị cáo bị đưa ra xét xử sơ thẩm, hình phạt cao nhất được hội đồng xét xử tuyên dành cho người chủ mưu, cầm đầu, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

Đấu tranh phòng chống tham nhũng: Cần những giải pháp đồng bộ - Ảnh 2.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa xét xử đại án Vạn Thịnh Phát

Song, để công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt được hiệu quả và có sức ảnh hưởng sâu rộng hơn nữa, việc đẩy mạnh việc xây dựng văn hóa nói không với tham nhũng trong xã hội cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Hiện nay, ở nhiều địa phương, các tổ chức Đảng các cấp, công tác giáo dục, tuyên truyền phòng chống tham nhũng đã và đang được đẩy mạnh thực hiện thông qua nhiều hình thức như tổ chức hội nghị giới thiệu, tập huấn chuyên sâu về Luật Phòng, chống tham nhũng; mở các chuyên trang, chuyên mục trên các trang thông tin điện tử, báo chí của ngành, địa phương, in ấn tài liệu hỏi đáp, hướng dẫn pháp luật về phòng, chống tham nhũng, cấp phát tờ gấp pháp luật, treo panô, áp phích, thi tìm hiểu…

Bên cạnh đó, thực hiện gắn kết công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về phòng chống tham nhũng với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", với những nội dung chính là cải tiến lề lối làm việc, tiết kiệm, phòng chống tham nhũng và lãng phí; chú trọng đào tạo cán bộ và viên chức về ý thức tiết kiệm, cải thiện chất lượng và hiệu suất công việc, từ đó giảm thiểu cơ hội cho các hành vi tham nhũng và lãng phí tài nguyên. Đồng thời, tập trung đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về phòng chống tham nhũng cho các cán bộ quản lý cấp cao và các lãnh đạo ngành, địa phương, từ đó tạo ra một lực lượng lãnh đạo có kiến thức sâu rộng và ý thức cao về vấn đề này.

Kết hợp nội dung về phòng chống tham nhũng vào chương trình giáo dục ở các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông và các chương trình đào tạo nghề, đào tạo cán bộ để tạo ra một thế hệ trẻ có nhận thức sâu sắc về vấn đề này. Tăng cường đào tạo và phát triển năng lực lãnh đạo cho các cấp lãnh đạo cơ sở Đảng, từ đó tạo ra một hệ thống lãnh đạo mạnh mẽ và có trách nhiệm, giúp tăng cường sự tự chủ và tính hiệu quả của các tổ chức cơ sở Đảng.

Các lãnh đạo cấp cao cần phải là tấm gương trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng, từ đó tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh và minh bạch. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và giám sát để đảm bảo rằng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện một cách hiệu quả và có kết quả.

Tuy vậy, để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung vào một số biện pháp cụ thể sau:

Một là, bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và các cấp ủy Đảng, cần đặc biệt chú trọng vào việc đồng bộ hóa các nội dung tuyên truyền và phổ biến với tinh thần chỉ đạo của cấp trên. Việc triển khai các biện pháp thiết thực và hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế là một yếu tố then chốt.

Hai là, tăng cường sự phối hợp giữa các thành viên trong Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật các địa phương để hoạt động giáo dục, tuyên truyền phòng chống tham nhũng, tiêu cực được sâu rộng hơn. Việc nâng cao chất lượng của đội ngũ báo cáo viên pháp luật thông qua hoạt động tập huấn, bồi dưỡng là một biện pháp quan trọng để đảm bảo sự hiệu quả của công tác tuyên truyền.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, thông qua việc tăng cường việc tuyên truyền và phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến phòng chống tham nhũng. Việc tập trung vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là điểm khởi đầu quan trọng để lan tỏa thông điệp về sự quan trọng của phòng chống tham nhũng trong xã hội.

Bốn là, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động giáo dục, tuyên truyền phòng chống tham nhũng. Để đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, cần tiến hành các biện pháp cụ thể như xây dựng và cung cấp tài liệu pháp luật, tăng cường các hoạt động tuyên truyền và giáo dục cộng đồng. Triển khai Chương trình hành động của từng cấp ủy Đảng và các đề án cụ thể, đảm bảo việc thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng được triển khai một cách có chiều sâu, tác động tích cực đến nhận thức và hành vi của các cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Có thể thấy rằng, hoạt động đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước trong những năm qua đã đem lại những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn phía trước, và việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước trong thời gian tới. Sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng, toàn dân sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị trong phòng, chống tham nhũng, góp phần xây dựng nên một xã hội công bằng, minh bạch và phát triển.

TS. Lê Thị Hằng

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

TS. Lã Hoàng Trung

Vụ Bưu chính – Bộ Thông tin và Truyền thông

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước