Đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp

PV-Thứ ba, ngày 20/02/2024 18:29 GMT+7

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội Việt Nam)

VTV.vn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Đổi mới công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo đề án.

Sáng 20/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Thường trực Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo đề án.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 11-KH/TW ngày 28/11/2022 về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Theo đó, Đảng đoàn Quốc hội đã thành lập Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ đạo đã thành lập Tổ soạn thảo xây dựng Đề án Đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội Việt Nam)

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, Đảng đoàn Quốc hội xác định đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm của Đảng về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, mở rộng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đồng thời là giải pháp quan trọng để lựa chọn được những đại biểu thực sự xứng đáng đại diện cho Nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử. Quá trình triển khai xây dựng Đề án, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Tổ soạn thảo xây dựng đề cương, gửi xin ý kiến Lãnh đạo Quốc hội, các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ soạn thảo; xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai xây dựng Đề án; xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai xây dựng Đề án; xây dựng kế hoạch tổng kết Luật Bầu cử và gửi công văn đến các bộ, ban, ngành, các cơ quan hữu quan và các địa phương đề nghị tổng kết thi hành Luật Bầu cử; triển khai nghiên cứu các chuyên đề và xây dựng dự thảo Đề án; tổ chức cuộc họp với các chuyên gia nhằm xin ý kiến góp ý cho Đề án; gửi xin ý kiến các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng cho biết, theo kế hoạch triển khai xây dựng Đề án, dự kiến tháng 3 tới sẽ báo cáo Đảng đoàn Quốc hội về Đề án, tháng 6 tới sẽ trình Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị thông qua và ban hành Kết luận về Đề án. Thời gian không còn nhiều, do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Thường trực Ban Chỉ đạo bám sát kế hoạch, tiến độ triển khai xây dựng Đề án.

Tổ soạn thảo tiếp thu ý kiến, nghiên cứu đưa các nội dung vào dự thảo Đề án nhằm phản ánh bao quát, đầy đủ tình hình thi hành Luật Bầu cử và đề xuất, kiến nghị liên quan đến công tác tổ chức, thực hiện Luật. Các giải pháp cần khả thi, phù hợp với quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chuẩn bị cho cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, sáng 20/2, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước