Xã Bạch Long thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định là một trong những khu vực có cánh đồng muối lớn nhất khu vực miền Bắc. Sản lượng mỗi năm tại đây lên đến hàng chục nghìn tấn. Tuy nhiên, trở lại nơi này vào năm nay, người ta sẽ không khỏi xót xa trước hình ảnh những cánh đồng muối trở thành ruộng hoang, cỏ mọc đầy.
"Nhìn đau xót mà không thể làm gì được", ông Trịnh Ngọc Chu – Chủ nhiệm Hợp tác xã muối Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định ngậm ngùi nói.
Năm 1993 – 1994, nghề làm muối phát triển rầm rộ. Năm 1997, một phương muối có trị giá 40.000 đồng. Tuy nhiên, một vài năm gần đây, số người theo nghề làm muối ngày càng ít. Một phần vì nghề này vất vả, thu nhập kinh tế không cao, phần khác là bởi người nông dân làm ra muối còn phải chịu ép giá của các lái buôn.
Ông Trịnh Ngọc Chu – Chủ nhiệm Hợp tác xã muối Bạch Long cho biết, lãnh đạo hợp tác xã đã thường xuyên lắng nghe ý kiến đóng góp từ người dân, phản ánh trực tiếp với các cấp lãnh đạo từ huyện tới Trung ương. Nhà nước cũng đã lắng nghe và có chính sách cơ chế để hỗ trợ người sản xuất muối. Tuy nhiên, những chính sách này chưa nhiều, thậm chí có chính sách vẫn chỉ nằm trên giấy.
"Cách đây 5 năm, chúng ta có chính sách cho người dân vay vốn để đầu tư sản xuất, cho hợp tác xã vay vốn để sản xuất kinh doanh nhưng điều đó chỉ nằm trên giấy tờ. Trên thực tế, các hộ nông dân vẫn khó tiếp cận với vốn vay của ngân hàng, bởi vì không có quyền sử dụng đất để thế chấp".
Năm 1997, giá muối tại Bạch Long là 2.000 đồng/kg. Năm 2017, giá muối mới chỉ đạt xấp xỉ 1.000 đồng/kg. Diện tích làm muối của tỉnh Nam Định giảm từ 2.000 ha xuống còn 400 ha. Nếu không có những giải pháp hỗ trợ kịp thời, nghề làm muối phơi cát truyền thông ở địa phương từng được mệnh danh là thủ phủ muối của miền Bắc này sẽ có nguy cơ biến mất.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!