Tại sao chúng ta không thể ngửi thấy mùi cơ thể của chính mình?

Mai Linh (theo Live Science)-Chủ nhật, ngày 24/09/2023 06:00 GMT+7

Ảnh: Getty Images

VTV.vn - Sau đây là những điều thú vị về khứu giác và mùi hương cơ thể của con người.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận biết khi nào người khác đổ mồ hôi hoặc hơi thở của họ có mùi, nhưng lại khó có thể nhận biết mùi của chính mình. Vậy tại sao chúng ta không thể ngửi mùi của chính mình với độ nhạy tương tự?

Mặc dù khứu giác của con người không thể so được với khứu giác của những loài siêu đánh hơi như chó, chuột và lợn, chúng ta vẫn có một khứu giác không tệ và thậm chí còn có thể tốt hơn những loài động vật này trong một số trường hợp. Mũi của chúng ta có khoảng 400 cơ quan thụ cảm mùi khác nhau và có khả năng ghi nhận 10 loại mùi cùng hơn 1 nghìn tỷ mùi hương. Khứu giác cũng được cho là một trong những giác quan đầu tiên mà con người tiến hóa. Một nghiên cứu cho thấy, nhờ lịch sử tiến hóa săn bắt hái lượm, con người có khả năng phát hiện các hợp chất thơm thực vật tốt hơn chó.

Hiroaki Matsunami, nhà sinh học thần kinh phân tử tại Đại học Duke, cho biết: “Chúng ta thực sự có thể ngửi thấy mùi của chính mình, chỉ cần ngửi nhanh nách sẽ phát hiện ra điều này, tuy nhiên theo thời gian, chúng ta trở nên kém nhạy cảm với mùi đặc trưng của chính mình. Điều tương tự cũng xảy ra với bất kỳ mùi nào chúng ta thường xuyên gặp phải, chẳng hạn như mùi nhà của chúng ta. Quá trình này được gọi là “mệt mỏi với mùi”. Người ta cho rằng đó có thể là sự thay đổi trong cơ quan thụ cảm mùi hoặc là cách não phản ứng với mùi”.

Theo Rachel Herz, nhà khoa học thần kinh tại Đại học Brown, khả năng phát hiện mùi của con người cũng tăng lên trong một số tình huống nhất định. Ví dụ, nếu bạn ăn thứ gì đó có vị tỏi, bạn có thể sẽ ngửi thấy mùi đó ngay trong mồ hôi và nước bọt.

Các nghiên cứu cũng đã tìm thấy mối liên hệ giữa mùi và hơn một chục loại bệnh tật khác nhau. Hơi thở có mùi trái cây thối có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Bệnh thương hàn khiến mồ hôi có mùi như bánh mì mới nướng. Theo một người phụ nữ, người mắc bệnh Parkinson tỏa ra “mùi gỗ, xạ hương”. Cô có thể phát hiện căn bệnh này với độ chính xác gần như tuyệt đối khi ngửi áo của 6 bệnh nhân Parkinson và 6 người đối chứng. Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu xem liệu những thay đổi của bã nhờn trên da có thể được sử dụng để chẩn đoán trước bệnh hay không.

Ngoài sức khỏe, mùi hương của con người còn liên quan đến các mối quan hệ xã hội. Chúng ta sử dụng mùi hương để đánh giá sự giống nhau của bạn bè và thường thích những người có mùi giống với chúng ta. Matsunami nói: “Chúng tôi đang sử dụng khứu giác của mình như một cách để đánh giá người khác so với bản thân, đồng thời có những tiêu chuẩn khác nhau cho vai trò mà tôi muốn người đó đảm nhận”.

Đại dịch COVID-19 đã khơi dậy sự quan tâm của con người đến khứu giác vì nhiều người đã mất khả năng này trong một khoảng thời gian. Herz cho biết: “Tôi hy vọng sự quan tâm đến mùi hương sẽ không bị lãng quên và mong muốn mọi người nhận thức được rằng mùi hương thực sự quan trọng và có liên quan đến mọi thứ trong cuộc sống”.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước