Giáo sư mặc quần soóc nói chuyện trước sinh viên trong trường
Một giáo sư mặc quần đùi, áo vest trước hàng trăm sinh viên đã làm "dậy sóng" dư luận vào tháng 4/2017. Đó là GS. Trương Nguyện Thành (Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen). Hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội ngay lập tức gây những tranh cãi nảy lửa.
Hình ảnh GS. Trương Nguyện Thành mặc quần đùi khi nói chuyện với sinh viên gây ra nhiều tranh cãi (Ảnh từ Facebook)
Trao đổi về việc này, GS Trương Nguyện Thành cho biết, hình ảnh đó chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Bởi lẽ, ông đã chủ đích mặc trang phục như vậy để dạy sinh viên về phát triển tư duy sáng tạo.
Đa phần ý kiến cho rằng phản cảm và không phù hợp với văn hóa phương Đông, không tôn trọng những người xung quanh. Tuy vậy cũng không ít người đồng tình ủng hộ giáo sư "quần đùi" vì sáng tạo là đột phá, không giới hạn.
"Trong buổi học đó, tôi có cho một ví dụ: Các em cầm quả trứng trên tay, làm gì được nếu không chỉ để ăn? Ví dụ thứ 2 là tôi bận bộ đồ vest như thế này, muốn sáng tạo thì tôi có thể làm gì với nó? Đó là lúc tôi chuyển sang mặc quần ngắn, mang vest. Đưa ví dụ như vậy để sinh viên cũng không ngờ thầy làm như vậy. Nghĩa là trước đó họ bị rào cản trong tư tưởng là cái đó không được làm. Chính vì ý tưởng như vậy giúp sinh viên thoát khỏi và phát huy khả năng sáng tạo của mình", GS. Thành chia sẻ.
Khi được hỏi ông có nghĩ rằng việc làm này có phù hợp với văn hóa Việt Nam hay không, GS Thành cho rằng: "Thật sự Mỹ hay Việt Nam không khác gì ở việc sáng tạo. Chỉ khác về cách nhìn. Tôi không bận đồ như vậy đi ra ngoài được vì xã hội không cho phép. Nhưng trong lớp học, vào thời điểm đó, tôi dùng để minh chứng việc không giới hạn trong tư tưởng của mình. Mỗi xã hội đánh giá mỗi khác".
Dù vậy, rất nhiều người vẫn cho rằng, không nhất thiết minh chứng sáng tạo bằng việc ăn mặc không phù hợp với môi trường giảng đường và văn hóa Việt Nam.
GS Trương Nguyện Thành, sinh năm 1961, từng công tác tại ĐH Utah. Ông sống, làm việc 38 năm tại Mỹ, có 2 bằng sáng chế quốc tế về công nghệ thông tin và là một tri thức Việt kiều được mời để thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán TP.HCM vào năm 2007. GS. Thành từng xuất bản 180 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành hóa và công nghệ thông tin, 150 bài báo trình bày tại các hội thảo chuyên ngành quốc tế.
Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam - Trần Xuân Bách
PGS. Trần Xuân Bách (SN 1984) - Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2016 vẫn rất được dư luận quan tâm, yêu mến trong năm 2017. Với nhiều đóng góp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy và công tác Đoàn, năm 2017, PGS. Trần Xuân Bách được vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2017.
Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam được đề cử "Công dân Thủ đô ưu tú" 2017.
PGS.TS Trần Xuân Bách hiện là giảng viên Bộ môn Kinh tế Y tế, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế Công cộng, trường ĐH Y Hà Nội. Trần Xuân Bách được công nhận Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2016 và được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư kiêm nhiệm tại Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ.
Trong quá trình học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, Trần Xuân Bách luôn đạt thành tích cao. Năm 27 tuổi, Trần Xuân Bách tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế Y tế và Chính sách Y tế loại xuất sắc với số điểm tuyệt đối 4.0/4.0 tại ĐH Alberta (Canada). Các nghiên cứu tập trung vào những vấn đề bức xúc của xã hội trong từng giai đoạn như: HIV/AIDS, nghiện chất (ma túy, rượu, thuốc lá), vệ sinh an toàn thực phẩm, béo phì và phòng chống bệnh mạn tính...
Một trong những nghiên cứu tiêu biểu nhất của PGS. Trần Xuân Bách là các phân tích chi phí - hiệu quả của các chiến lược can thiệp phòng chống HIV/AIDS và điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện ở Việt Nam trong giai đoạn từ 2005 - 2015.
Các công bố khoa học gần đây của PGS. Trần Xuân Bách cũng có giá trị ứng dụng cao như các mô hình dự báo nguy cơ mắc 20 bệnh mạn tính trong suốt vòng đời dựa trên các đặc điểm của cá thể, cho phép tiến hành can thiệp dự phòng sớm và là cơ sở phát triển cấu phần trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng y tế điện tử trên điện thoại thông minh, hiện đang triển khai tại Đại học Y Hà Nội...
Tiến sĩ trẻ bỏ lương 54.000 Euro/năm về Việt Nam dạy học
Nhận được lời mời công việc từ Viện năng lượng nguyên tử Pháp (CEA) với mức lương 54.000 Euro/năm nhưng Tiến sĩ Lê Nguyên Khương (sinh năm 1985) chọn trở về nước và theo đuổi nghề giáo.
TS Lê Nguyên Khương tham dự hội Thảo CompDyn tại Hy Lạp 2013.
Trong 8 năm học tập và sinh sống tại Pháp, ngoài tấm bằng Kỹ sư trường Cầu Đường Paris và bằng tiến sĩ Viện Khoa học Ứng dụng Quốc gia Pháp tại Lyon, anh còn tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm thực tế với 3 năm làm việc tại Tổng công ty Đường Sắt Pháp SNCF và Tập đoàn Xây dựng EGIS, cùng 8 bài báo đăng trên các tạp chí, hội nghị Khoa học uy tín quốc tế. Dù bận bịu với công việc nhưng chàng trai Việt vẫn tích cực tham gia các phong trào của Hội Sinh viên Việt Nam tại Paris.
Sau khi hoàn thành luận án Tiến sĩ và nghiên cứu sau tiến sĩ tại INSA de Lyon với kết quả nghiên cứu ấn tượng cùng các ý tưởng phát triển phầm mềm KM-Editor thành phần mềm thương mại, tiến sĩ trẻ nhận được đề xuất công việc từ phía CEA với mức lương 54.000 Euro/năm (hơn 5.000 USD/ 1 tháng). Song cuối cùng, anh đã có quyết định bất ngờ là từ bỏ những lời mời và công việc hấp dẫn ở châu Âu để trở về Việt Nam.
Được đứng trước các bạn sinh viên trẻ, truyền kiến thức và kinh nghiệm sống cho các em là niềm vui của tiến sĩ 8X.
Hiện tại, TS. Lê Nguyên Khương là giảng viên giảng viên trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải Hà Nội (UTT). Không chỉ tích cực trong vai trò làm đầu mối và là người trực tiếp thực hiện các dự án nghiên cứu với nước ngoài, thầy giáo trẻ còn tham gia trả lời các câu hỏi, các vấn đề về khoa học liên quan tới ngành Giao thông vận tải.
Giảng viên 8X và loạt lời phê "bá đạo" khiến sinh viên ngóng hơn điểm số
"Nhan sắc tỷ lệ nghịch với chữ viết", "Trong giờ kiểm tra dại trai không phải là một hành động phù hợp", "Nếu được, thầy sẽ trả lại học phí cho em vì em đã trả lại kiến thức cho thầy", "Chém gió vừa thôi"... - những lời phê "đá xéo" vào khuyết điểm nhưng lại khiến sinh viên cười nghiêng ngả, vui vẻ nhận sai và cố gắng sửa chữa.
Thầy Nguyễn Việt Phương - giảng viên ĐH Vinh (Nghệ An) "gây sốt" với những lời phê "bá đạo".
Thầy giáo với những lời phê "bá đạo" này tên là Nguyễn Việt Phương, sinh năm 1989, giảng viên khoa Giáo dục và công tác tại trường ĐH Vinh được 6 năm. Thầy Phương từng học cử nhân ở trường ĐH Hà Nội và thạc sĩ ở Úc. Thầy có 5 năm làm Bí thư Đoàn của Khoa và các chức vụ kiêm nhiệm khác liên quan đến đào tạo.
Trao đổi với PV, thầy giáo trẻ cho biết: "Mình vốn rất thích gần gũi với sinh viên nên hay dùng teen-code và từ địa phương để phê vào bài kiểm tra hay lúc nói chuyện với các bạn. Một số bạn nơi khác không hiểu cho rằng thầy mà còn sai chính tả, khi dùng teen-code thì rõ ràng quy tắc về chính tả không phải là điều quan trọng". Công tác ở trường được 6 năm, giảng viên 8X vẫn giữ phong cách viết lời phê này từ những ngày đầu đi dạy nguyên nhân chính bởi anh có tính cách vui vẻ, hài hước. Thêm nữa, vì làm Đoàn và công tác đào tạo liên quan trực tiếp đến xử lý các vấn đề cho sinh viên nên thầy giáo trẻ không muốn tạo khoảng cách cứng nhắc với học trò.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!