Sinh viên mừng, nhiều trường lo lắng sau việc hoãn tăng học phí đại học

Hoài Thương - Tài Vũ-Thứ bảy, ngày 05/08/2023 18:27 GMT+7

Hình minh họa.

VTV.vn - Ngày 31/7, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT khẩn trương sửa nghị định 81 về học phí công lập, theo hướng không tăng học phí năm học 2023-2024, trình Chính phủ trước ngày 8/8.

Trong khi nhiều trường Đại học lo lắng, các bạn sinh viên lại phần nào "nhẹ gánh" khi biết thông tin dự kiến không tăng học phí.

Thí sinh Lê Thiên Ngân vừa được tuyển thẳng vào ngành y đa khoa của trường Đại học Y Hà Nội. Khi nghe tin mình có thể chỉ cần đóng 14,3 triệu thay vì hơn 55 triệu đồng học phí mỗi năm, gia đình em mừng như "mở cờ trong bụng".

Thí sinh Lê Thiên Ngân, Trường THPT Chuyên Sư phạm Hà Nội tâm sự: "Nếu như năm nay mà học phí chưa tăng thì cũng bớt được 1 năm đóng học phí cao hẳn, bớt áp lực được cho cả em và bố mẹ. Vì thế em mong dự kiến không tăng học phí được thông qua".

Chị Lưu Thúy Hiền, mẹ thí sinh Lê Thiên Ngân, chia sẻ: "Với gia đình tôi có 3 đứa đang ăn học như thế, chỉ cần học phí mỗi trường tăng một ít thôi thí đó cũng là cả một vấn đề".

Nỗi lo về chi phí của nhiều bạn sinh viên tại Thủ đô có thể sẽ bớt căng thẳng hơn. Hai bạn trẻ Nguyễn Thị Lan Anh và Đặng Thị Minh Huyền, sinh viên trường Đại học Ngoại Thương vừa phải chuyển đến một nơi ở mới vì giá cả phòng trọ cũ tăng lên.

Sinh viên Đặng Thị Minh Huyền nói: "Tổng chi tiêu từ sinh hoạt phí đến học phí rơi vào tầm 6-7 triệu đồng/tháng. Nó sẽ khá nặng nề đối với các gia đình ví dụ như bản thân em từ quê lên Hà Nội học".

Sinh viên Nguyễn Thị Lan Anh nói: "Nếu mức sinh hoạt phí biến động nhanh quá em cũng không theo kịp được".

Niềm vui của sinh viên lại là nỗi lo của các trường Đại học khối công lập. Học phí đại học chưa tăng kể từ năm 2020. Trong khi đó, nhiều trường công lập phải chịu áp lực rất lớn từ lộ trình tự chủ tài chính.

GS.TS Nguyễn Tiến Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nói: "Theo Nghị định 81 và theo luật mới cũng phải xây dựng theo định mức kinh tế kỹ thuật, tức là tính đúng, tính đủ để đảm bảo chất lượng đầu ra, chúng tôi đã thực hiện theo đúng lộ trình đó. Năm nay lại dừng như thế, 1 năm nữa nhà trường lại tiếp tục không có nguồn kinh phí thường xuyên, trong khi đó, mức thu học phí lại không có, khó khăn lại nhân lên gấp đôi".

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải, cho biết: "Đầu tư các ngành kỹ thuật thì cũng phải có phòng thí nghiệm, chương trình đào tạo phải gắn liền thực tiễn, nhiều hoạt động làm sao sinh viên được tham gia những hđ phù hợp. Tôi thấy rằng đây là tổng thể, nếu được tăng học phí thì các tổng thể sẽ tăng lên và chất lượng đào tạo sẽ được đáp ứng".

Hai ngày qua, nhiều trường Đại học tính toán thay đổi kế hoạch, dù thời điểm này, sinh viên nhiều nơi đã hoàn tất đăng ký học phần kỳ 1 của năm học 2023-2024.

PGS.TS Nguyễn Đắc Trung, Trưởng phòng Đào Tạo, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết: "Từ nay đến đầu năm học mới chỉ còn 1 tháng nữa thôi, nếu chúng tôi có quyết sách mới về học phí thì cũng phải được Hội đồng ĐH thông qua. Chúng tôi cũng có điều chỉnh làm sao phù hợp nhất để đảm bảo đầu tư, đảm bảo mục tiêu chất lượng của nhà trường vẫn được giữ vững".

Về lâu dài, việc tăng học phí là điều khó tránh khỏi. Hiện nay, chính sách tín dụng sinh viên chỉ giới hạn con gia đình nghèo, khó khăn và bệnh tật. Do đó, nhiều bạn trẻ chia sẻ, mở rộng chính sách tín dụng sinh viên để người học có thể tiếp cận vốn vay và trang trải cuộc sống học tập, là điều mà nhiều gia đình mong muốn nhất hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước