Tranh luận về 6 tác phẩm văn học bắt buộc phải có trong chương trình môn Ngữ văn

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 05/02/2018 20:17 GMT+7

VTV.vn - Theo nhận định của một số giáo viên và chuyên gia, các tác phẩm bắt buộc chưa thực sự hội đủ các tiêu chí cần thiết để chọn lựa những tác phẩm văn học điển hình.

Nhân vật Chí Phèo nổi tiếng trong tác phẩm Làng Vũ đại ngày ấy của nhà văn Nam Cao; Xuân Diệu, nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới, thi sĩ của tình yêu; Tố Hữu với các bài thơ trữ tình cách mạng đỉnh cao, đi vào tâm khảm nhiều thế hệ. Những tác phẩm, tác giả này rất có thể sẽ không còn nằm trong chương trình Ngữ văn sắp tới nữa. Rất nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Vì sao lại như vậy?

Lý do vì trong Dự thảo chương trình Ngữ văn mới, Ban soạn thảo chương trình không quy định đóng khung từng tác phẩm văn học trong từng lớp, từng cấp học nữa. Trái lại chỉ có 6 tác phẩm bắt buộc phải có trong chương trình môn Ngữ văn từ lớp 1 đến lớp 12. Sự thay đổi này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

6 tác phẩm văn học bắt buộc được dạy cho học sinh đó là: Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình ngô, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn độc lập. Ngoài 6 tác phẩm này, tác giả viết sách giáo khoa được quyền chọn các tác phẩm văn học khác để đưa vào dạy cho học sinh dựa trên những tiêu chí cụ thể mà chương trình Ngữ văn đã quy định. Điều này có nghĩa là với mỗi bộ sách giáo khoa khác nhau, học sinh sẽ học những tác phẩm và tác giả khác nhau, tùy theo quan niệm và sự sáng tạo của người viết sách.

Theo nhận định của một số giáo viên và chuyên gia, các tác phẩm bắt buộc chưa thực sự hội đủ các tiêu chí cần thiết để chọn lựa những tác phẩm văn học điển hình. 5 trong số 6 tác phẩm đều lấy cảm hứng yêu nước làm chủ đạo. Chỉ riêng Truyện Kiều được viết dựa trên cảm hứng nhân văn. Ngoài ra, hầu hết các tác phẩm đều nằm trong giai đoạn văn học trung đại, trong khi nền văn học Việt Nam trải qua rất nhiều giai đoạn phát triển khác nhau.

Ngoài việc quy định 6 tác phẩm bắt buộc, Ban soạn thảo chương trình cũng đưa ra một phụ lục, trong đó gợi ý danh sách các tác giả, tác phẩm phù hợp để các nhà viết sách tham khảo. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng: danh sách này vẫn còn thiếu vắng những tác phẩm văn học dân gian, văn học của các nhóm dân tộc thiểu số, các tác phẩm văn học về biển đảo.

Theo kiến giải của đại diện Ban soạn thảo chương trình Ngữ văn mới, 6 tác phẩm văn học bắt buộc trong chương trình là những tác phẩm mà bất cứ học sinh nào tốt nghiệp lớp 12 đều phải biết, do các tác phẩm này không chỉ tác động tới diện mạo văn học Việt Nam mà còn ghi những dấu mốc quan trọng đối với lịch sử đất nước.

6 tác phẩm bắt buộc ghi những dấu mốc quan trọng đối với lịch sử đất nước

Đại diện Ban soạn thảo cũng cho rằng, chương trình một số quốc gia tiên tiến trên thế giới cũng đưa các văn bản lập quốc hoặc ghi dấu ấn đậm nét đối trong lịch sử văn học của quốc gia đó vào trong diện học sinh bắt buộc phải học, không nhất thiết phải chọn đầy đủ các tiêu chí. Ví dụ ở Mỹ, phần bắt buộc là các truyền thuyết và truyện cổ điển trên thế giới, các văn bản giai đoạn lập quốc của Mỹ, những tác phẩm quan trọng của văn học Mỹ và Shakepeare. Các nội dung còn lại do các bang và địa phương quyết định.

Sẽ còn nhiều ý kiến tranh luận khác nhau liên quan đến Dự thảo chương trình Ngữ văn, do cách tiếp cận và mục tiêu giáo dục đối với môn học này đã thay đổi. Nhưng dù chọn tác phẩm nào là bắt buộc đi nữa, điều quan trọng nhất là Ban soạn thảo chương trình cần có những hướng dẫn chi tiết và thực sự khoa học về tiêu chí chọn lựa các tác phẩm văn học, để từ đó, các tác giả viết sách giáo khoa làm căn cứ chọn lựa những tác phẩm thực sự chuẩn mực, xứng đáng đại diện cho nền văn học dân tộc, phù hợp với tâm sinh lý của học sinh ở các lứa tuổi khác nhau để đưa vào sách giáo khoa.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước