Bộ Công Thương: Tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu

Thùy Linh-Thứ tư, ngày 03/01/2024 20:17 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị về tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

Duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường

Trong Chỉ thị mới ban hành, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Vụ Thị trường trong nước được giao sẽ theo dõi chặt chẽ việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường và yêu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp bảo đảm chủ động, tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội.

"Chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước có kế hoạch, phương án kinh doanh, bán lẻ xăng dầu khoa học, hợp lý, khả thi, bảo đảm đủ nguồn hàng đáp ứng yêu cầu của thị trường. Bố trí đủ nhân lực, tổ chức trực hoặc tăng ca để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường, nhất là trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024", Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu.

Xử lý nghiêm các hành vi găm hàng chờ tăng giá, trục lợi buôn lậu xăng dầu

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp.

"Xử lý nghiêm các hành vi găm hàng chờ tăng giá, trục lợi buôn lậu xăng dầu qua biên giới, vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu; Phối hợp với cơ quan thuế kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng của đơn vị kinh doanh theo quy định của pháp luật", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu xây dựng, sửa đổi và thực hiện Kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm của Bộ Công Thương, trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên cả nước để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu tại địa phương

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp thuộc phạm vi và địa bàn quản lý. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn trong việc vận chuyển, lưu thông, phân phối xăng dầu và bảo đảm an ninh trật tự.

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với các đơn vị chức năng tại địa phương hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, tạo thuận lợi cho các thương nhân trên địa bàn thực hiện hoạt động kinh doanh, cung ứng xăng dầu.

"Giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu tại địa phương, bảo đảm các thương nhân tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành; giám sát chất lượng xăng dầu trên địa bàn quản lý; giám sát thời gian bán hàng, giá bán lẻ xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu không để xảy ra tình trạng cửa hàng xăng dầu dừng bán hàng không có lý do, gây thiếu hụt, đứt gẫy nguồn cung xăng dầu cục bộ trên địa bàn.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá mặt hàng xăng dầu và đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa. Nhờ tích cực triển khai các giải pháp và thực hiện các nhiệm vụ được lãnh đạo Chính phủ giao, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2023 cơ bản được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp, khó lường của một số yếu tố quốc tế như: Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; Xung đột tại Ukraine, dải Gaza có thể còn kéo dài, nguy cơ xung đột tại khu vực Biển Đỏ… tiềm ẩn đứt gãy chuỗi cung ứng, gây gián đoạn thương mại quốc tế và dòng chảy năng lượng toàn cầu; Việc OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ; Kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm; Triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn… đã và đang ảnh hưởng đến giá xăng dầu và nguồn cung xăng dầu cho thị trường thế giới và trong nước.



* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước