Chứng khoán giảm 21 điểm

PV-Thứ sáu, ngày 08/03/2024 21:16 GMT+7

Chứng khoán mở cửa phiên hôm nay trên tham chiếu, nhưng sắc xanh không duy trì được lâu

VTV.vn - Phiên 8/3, chỉ số VN-Index giảm 21,11 điểm, tương đương 1,66%, xuống 1.247,35 điểm.

Sắc đỏ bao trùm

Chứng khoán mở cửa phiên hôm nay trên tham chiếu, nhưng sắc xanh không duy trì được lâu. Ít phút sau phiên ATO, VN-Index bị kéo lùi về sắc đỏ khi áp lực bán chiếm ưu thế. Những nhóm chiếm tỷ trọng cao trong vốn hóa như ngân hàng, hàng tiêu dùng, bất động sản liên tục lùi sâu. Chỉ số của sàn HoSE nới rộng đà giảm, lên hơn 10 điểm vào cuối giờ nghỉ trưa.

Chứng khoán giảm 21 điểm - Ảnh 1.

Ngân hàng là ngành gây áp lực nặng nề nhất lên VN-Index

VN-Index chốt phiên hôm nay tại 1.247,35 điểm, giảm hơn 21 điểm (1,66%) so với phiên trước. VN30-Index mất hơn 26 điểm (2,06%), còn 1.250,2 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index hạ hơn 0,4%.

Thanh khoản toàn thị trường hôm nay đạt hơn 35.800 tỷ đồng. Trong đó, sàn HoSE chiếm hơn 32.500 tỷ đồng, tăng gần 6.900 tỷ đồng so với phiên trước và là mức cao nhất trong hơn 6 tháng.

Cuối phiên, sàn HoSE có 89 cổ phiếu tăng giá, so 408 mã giảm. Trong nhóm VN30, duy nhất BCM giữ được sắc xanh, 29/30 mã còn lại đóng cửa trong sắc đỏ.

Ngành ngân hàng có mức giảm mạnh nhất thị trường với mức giảm 2,34% chủ yếu đến từ mã VCB giảm 0,73%, BID giảm 4,13% và CTG giảm 3,63%.

Tiếp đến là nhóm thực phẩm - đồ uống và ngành bán lẻ với mức giảm lần lượt là 1,96% và 1,85%.

Ở chiều ngược lại, ngành sản phẩm cao su là ngành có sự phục hồi mạnh nhất với 3,98% chủ yếu đến từ các mã DRC tăng 5,7%, CSM tăng 1,55% và SRC tăng 0,68%.

Chứng khoán vẫn là điểm đến tiềm năng của dòng tiền

Lý giải về phiên giảm điểm hôm nay, các chuyên gia nhận định, sau nhịp tăng điểm dài và trước diễn biến chưa rõ xu hướng sau khi tiếp cận lại vùng đỉnh cũ, tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn và dẫn đến áp lực chốt lời ngắn hạn.

Một số chuyên gia vẫn có góc nhìn tích cực cho thị trường chứng khoán năm nay trong bối cảnh tín dụng giảm. Các ngân hàng thương mại liên tục giảm lãi suất huy động làm cho mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm xuống. Điều này sẽ thúc đẩy dòng tiền gửi tiết kiệm dịch chuyển sang kênh đầu tư có tỷ suất sinh lợi cao hơn. 

Lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp là động lực cho dòng tiền chứng khoán. Dòng tiền tiết kiệm sẽ có xu hướng đổ một phần vào thị trường chứng khoán với kỳ vọng tỷ suất sinh lời cao hơn ngân hàng nhưng vẫn an toàn về mặt pháp lý và tính thanh khoản cao.

Lãi suất thấp cũng ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời kỳ vọng của nhà đầu tư về doanh nghiệp. Nhà đầu tư sẽ có xu hướng "dễ tính hơn" trong việc lựa chọn cổ phiếu trong hoạt động đầu cơ và đầu tư.

Xét về mặt tích cực, chứng khoán vẫn là một trong những điểm đến tiềm năng của dòng tiền. Thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư an toàn về tính pháp lý và đang được phát triển để nâng hạng lên thị trường mới nổi.

"Kỳ vọng quy mô vốn hóa thị trường sẽ đạt 100% GDP vào năm 2025 khiến cho đây vẫn là điểm đến lý tưởng của dòng tiền. Điều này thúc đẩy dòng tiền đầu cơ và đầu tư của thị trường, giúp thị trường nâng cao thanh khoản", các chuyên gia nhận định.

Hệ thống giao dịch mới KRX được kỳ vọng sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam nâng cao năng lực với thanh khoản cao hơn. Cụ thể là sẽ giúp thanh khoản tăng cao; giảm thời gian thanh toán từ T+2,5 hiện nay sang T+0, qua đó thúc đẩy tỷ lệ quay vòng vốn. Đặc biệt, hệ thống KRX giúp giải quyết các vấn đề cần thiết để được nâng cấp lên thị trường mới nổi. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước