Công bố "gói sơ cứu kinh tế", Trung Quốc quyết vực dậy thị trường bất động sản

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 30/01/2024 10:47 GMT+7

VTV.vn - Là một trong những lĩnh vực quan trọng, đóng góp lớn vào nền kinh tế, thị trường bất động sản ổn định sẽ góp phần giúp Trung Quốc thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế.

Một trong các thông tin kinh tế đáng chú ý mới đây là Tòa án tối cao Hong Kong (Trung Quốc) đã ra lệnh thanh lý tài sản của tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc - China Evergrande. Động thái được nhận định mở ra một giai đoạn mới liên quan đến tập đoàn này.

Và trong bối cảnh một năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức phía trước, Trung Quốc đã triển khai những chính sách mới để vực dậy thị trường bất động sản, phục hồi tăng trưởng.

Giải pháp hỗ trợ lĩnh vực bất động sản

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mới đây đã công bố "gói sơ cứu kinh tế" lớn nhất trong 2 năm. Theo đó, ngân hàng này sẽ hạ tỷ lệ dự trữ của các ngân hàng 0,5 điểm phần trăm từ ngày 5/2.

Công bố gói sơ cứu kinh tế, Trung Quốc quyết vực dậy thị trường bất động sản - Ảnh 1.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ hạ tỷ lệ dự trữ của các ngân hàng từ ngày 5/2 (Ảnh minh họa : AP)

Động thái này sẽ giải phóng thêm 1.000 tỷ Nhân dân tệ (140 tỷ USD) cho thị trường. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng hạ lãi suất vay liên ngân hàng và ban hành các quy định mới để tăng khả năng tiếp cận của những công ty bất động sản đối với các khoản vay của những ngân hàng thương mại.

Ông Xiao Yuanqi - Phó Giám đốc Cơ quan quản lý tài chính quốc gia Trung Quốc - cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện các chính sách cho vay mua nhà ở cá nhân. Chúng tôi khuyến khích chính quyền thành phố và các bộ phận phát triển nhà tối ưu hóa hơn nữa các chính sách cho vay mua nhà như tỷ lệ trả trước và lãi suất cho vay, đồng thời hướng dẫn và kêu gọi các ngân hàng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của những người dự định mua căn nhà đầu tiên. Chúng tôi sẽ hướng dẫn và kêu gọi các ngân hàng và tổ chức tài chính khác hỗ trợ mạnh mẽ 'ba dự án lớn', trong đó có xây dựng các cơ sở giải trí có thể dễ dàng chuyển đổi thành các công trình khẩn cấp".

Cùng với đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Cơ quan quản lý tài chính quốc gia và Bộ Tài chính nước này vừa công bố danh sách mới cho phép các công ty bất động sản vay thế chấp bằng bất động sản thương mại - như tòa nhà văn phòng và trung tâm mua sắm - để trả các khoản nợ khác, bao gồm cả trái phiếu, cũng như trang trải chi phí hoạt động. Các khoản vay không được vượt quá 70% giá trị thẩm định của tài sản thế chấp và có thời hạn 10 năm, cao nhất là 15 năm.

Trung Quốc cũng triển khai cơ chế điều phối tài chính trong lĩnh vực bất động sản nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính hợp pháp của các dự án bất động sản, đồng thời hỗ trợ sự tăng trưởng ổn định và lành mạnh của thị trường bất động sản trong nước.

Bà Pu Zhan - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị -Nông thôn - cho rằng: "Cơ chế này nhằm mục đích tách biệt rủi ro nợ của các công ty thuộc tập đoàn bất động sản và hoạt động của các công ty dự án, đồng thời đáp ứng nhu cầu tài chính hợp lý cho các dự án bất động sản đủ tiêu chuẩn. Nó cũng đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mua".

Chính quyền một số địa phương như Bắc Kinh, Thượng Hải cũng đã ban hành nhiều biện pháp hỗ trợ người mua nhà như cắt giảm tỷ lệ trả trước và gia hạn thời gian trả nợ.

Triển vọng thị trường bất động sản Trung Quốc

Lĩnh vực bất động sản từ lâu đã chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế Trung Quốc và có mức tăng trưởng chóng mặt trong hai thập kỷ.

Thị trường bất động sản Trung Quốc dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng không phải là không có cơ hội phục hồi, khi mà chính quyền Trung ương cũng như địa phương đã và đang tăng cường các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, khả năng phục hồi của thị trường này vẫn phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát rủi ro thanh khoản của doanh nghiệp và cải thiện kỳ vọng của người mua nhà.

Theo nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản Trung Quốc hiện đang dao động ở vùng đáy và có thể dần ổn định kể từ nửa cuối năm nay. Dự kiến diện tích bán nhà, tổng vốn đầu tư và diện tích xây dựng mới sẽ tiếp tục giảm song mức giảm thu hẹp hơn so với năm 2023.

Giới chức kinh tế cho rằng, nước này sẽ cần thêm các giải pháp nhằm thúc đẩy lòng tin, khôi phục thị trường, đồng thời nhấn mạnh, đầu tư tại Trung Quốc không phải là một khoản đầu tư rủi ro mà là cơ hội.

Chứng khoán Trung Quốc lao dốc tác động thế nào tới các thị trường lân cận? Chứng khoán Trung Quốc lao dốc tác động thế nào tới các thị trường lân cận?

VTV.vn - Chứng khoán Trung Quốc đang có một khởi đầu năm 2024 khá ảm đạm khi đều chạm mốc thấp kỷ lục của nhiều năm.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước