Ngày 22/1, chứng khoán Trung Quốc đã giao dịch khá ảm đạm với các chỉ số chính. Ví dụ Shenzhen Component tại Thâm Quyến, chỉ số chuyên về công nghệ đã có ngày giao dịch ảm đạm nhất trong gần hai năm qua, giảm 3,5%. Vậy nguyên nhân do đâu khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm mạnh như vậy?
Hầu hết các quỹ đầu tư chứng khoán nước ngoài, kể cả nội địa tại Trung Quốc năm qua bị lỗ, theo nhiều chuyên gia đã phản ánh phần nào tình trạng kinh tế dù phục hồi nhưng vẫn còn nhiều yếu tốt bất ổn. Nhà đầu tư nước ngoài lo ngại vì sản xuất thu hẹp, giá tiêu dùng, giá sản xuất giảm.
Dù chính phủ Trung Quốc đã có nhiều giải pháp nhưng nhìn chung cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu sáng sủa bởi niềm tin của người dân, của doanh nghiệp chưa cao.
Năm qua, người dân đất nước tỷ dân nhìn tài sản của mình giảm theo giá bất động sản, giá chứng khoán. Để bảo vệ tài sản, nhiều người đã tăng gửi tiền tiết kiệm, tăng rút vốn từ các quỹ chứng khoán. Quy mô các quỹ tương hỗ để đầu tư chứng khoán giảm hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ, tức hàng trăm tỷ USD.
Chứng khoán Trung Quốc đang có một khởi đầu năm 2024 khá ảm đạm. Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Một số chuyên gia nước ngoài nhận định, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục giảm mức độ rủi ro đối với thị trường Trung Quốc cũng như giảm kỳ vọng vào tăng trưởng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo 2024, nền kinh tế số 2 thế giới GDP tăng 4,6%.
Quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt hay giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mới đây khiến nhiều chuyên gia thất vọng bởi nó không bơm mạnh tiền cho nền kinh tế như kỳ vọng.
Tại cuộc họp đầu tuần này của Quốc vụ viện, Trung Quốc sẽ cải thiện hơn nữa thị trường vốn, củng cố chất lượng và giá trị đầu tư của các công ty niêm yết, tăng cường các dòng vốn trung - dài, minh bạch hơn thị trường vốn. Sở Giao dịch chứng khoán Bắc Kinh ra một số chính sách ngăn chặn cổ đông lớn bán cổ phiếu… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, các giải pháp chưa đủ mạnh.
Các quỹ đầu tư nước ngoài đang mong ngóng thông tin đồn đoán về việc Chính phủ Trung Quốc đang huy động khoảng 2000 tỷ Nhân dân tệ, tương đương hơn 279 tỷ USD từ các tài khoản nước ngoài của doanh nghiệp Nhà nước với mục đích là lập các quỹ để mua cổ phiếu nâng đỡ thị trường.
Nhiều chuyên gia cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là lấy lại niềm tin nhà đầu tư, các quỹ đầu tư nước ngoài. Bởi tâm lý nhà đầu tư mong manh vì thị trường giảm, tài sản giảm. Các chuyên gia cũng kỳ vọng sự ổn định về chính sách của Trung Quốc đối với thị trường tài chính, đầu tư nước ngoài.
Chứng khoán Trung Quốc giảm ảnh hưởng thế nào đến các thị trường lân cận?
Vì quy mô thị trường chứng khoán Trung Quốc là rất lớn nên không tránh được việc các nhà đầu tư sẽ đặt câu hỏi liệu đà giảm lần này có tác động thế nào tới các thị trường lân cận, trong đó có Việt Nam.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - nhà sáng lập công ty tư vấn chứng khoán FinPeace cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vẫn "mạnh khoẻ" và không chịu tác động gì đáng kể từ thị trường nước bạn.
"Tôi cho rằng việc chứng khoán Trung Quốc suy giảm sẽ không tác động nhiều đến chứng khoán Việt Nam. Vì sức khoẻ của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam tương đối tốt. Hoàn toàn phù hợp cho các nhà đầu tư rải ngân trong vòng 2-5 năm tiếp theo…", ông Nguyễn Tuấn Anh nhận định.
Thị trường chứng khoán Ấn Độ bùng nổ
Trái ngược với thị trường chứng khoán Trung Quốc, nhưng trong khu vực có những thị trường chứng khoán nổi lên như những ngôi sao mới, trong đó có thể kể tới thị trường Ấn Độ. Với triển vọng tăng trưởng và những cải cách chính sách, thị trường chứng khoán Ấn Độ đã trở thành đối tượng được các nhà đầu tư toàn cầu yêu thích và lần đầu tiên vượt qua Hong Kong (Trung Quốc) để trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ 4 thế giới.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, tính đến hết ngày 22/1, tổng giá trị vốn hóa thị trường của cổ phiếu niêm yết trên các sàn giao dịch Ấn Độ đạt 4.330 tỷ USD, vượt qua mức 4.290 tỷ USD của các sàn giao dịch Hong Kong (Trung Quốc).
Với lượng nhà đầu tư cá nhân tăng mạnh và lợi nhuận doanh nghiệp khả quan, Ấn Độ hiện đang liên tục thu hút nguồn vốn mới từ các quỹ đầu tư và công ty toàn cầu. Thị trường này cũng hưởng lợi từ nền chính trị ổn định, nền kinh tế định hướng tiêu dùng và việc Ấn Độ vẫn nằm trong số các quốc gia lớn có tốc độ phát triển nhanh nhất.
Ông Ashish Cupta - Giám đốc đầu tư, Quỹ Axis Mutual Fund đánh giá: "Thị trường chứng khoán Ấn Độ đang có sẵn tất cả các yếu tố phù hợp để tạo đà tăng trưởng hơn nữa".
Theo thống kê, các quỹ đầu tư nước ngoài đã rót hơn 21 tỷ USD vào cổ phiếu Ấn Độ trong năm ngoái. Luồng vốn đổ vào thị trường trong năm nay được dự báo vẫn sẽ tích cực, đặc biệt là sau khi kết thúc cuộc bầu cử quan trọng vào tháng 5.
Ông Sunil Koul - Chiến lược gia chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương, Goldman Sachs cho biết: "Ngoài những người kiên định đầu tư, vẫn còn một số người đang tỏ ra lưỡng lự. Tuy nhiên, sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường hơn sau khi cuộc bầu cử tại Ấn Độ kết thúc".
Sự bùng nổ mạnh mẽ của chứng khoán Ấn Độ sẽ là thách thức lớn với thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc). Những khó khăn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã làm suy yếu đáng kể vị thế của trung tâm tài chính hàng đầu châu Á này trong năm qua.
Tuy vậy theo UBS, thị trường này vẫn có thể phục hồi trong năm 2024, nếu Trung Quốc tiến hành các biện pháp kích thích kinh tế lớn. Mức định giá thấp của các cổ phiếu Trung Quốc cũng sẽ tạo ra những lợi thế về tiềm năng tăng giá so với các cổ phiếu cùng ngành tại thị trường Ấn Độ.
Những dự báo tích cực về thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc
Tại châu Á, sức khoẻ của nền kinh tế khu vực còn biểu hiện qua một số thị trường quan trọng khác như Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm 2024, các chuyên gia đều dự báo về những diễn biến tích cực ở cả 2 thị trường này.
Nhận định về thị chứng khoán Hàn Quốc, chuyên gia Ted Oh của NH Investment & Securities cho biết, KOSPI được dự đoán sẽ đạt đỉnh vào quý III/2024, có thể là vào tháng 9, chủ yếu nhờ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuyển sang chính sách tiền tệ ôn hòa và được nhiều người dự đoán sẽ cắt giảm lãi suất nhiều lần.
Các chuyên gia dự báo thị trường sẽ có xu hướng giảm trong nửa đầu năm, tăng trong nửa cuối năm. Khi được hỏi về những cổ phiếu đầy hứa hẹn, tất cả các nhà phân tích đều chọn lĩnh vực bán dẫn. Ngoài ra, còn có cổ phiếu các công ty hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo A.I.
Tại châu Á, sức khoẻ của nền kinh tế khu vực còn biểu hiện qua một số thị trường quan trọng khác như Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh minh họa - Ảnh: AFP
Còn về chứng khoán Nhật Bản, có một quan điểm khá thú vị đó là năm 2024 là năm con rồng. Thị trường chứng khoán Nhật Bản kỳ vọng đây là một năm sẽ có tốc độ tăng trưởng cao vì từ thống kê thực tế, chứng khoán trong những năm con rồng đều có mức tăng lớn, tỷ lệ tăng trung bình là 27,9%.
Bỏ qua yếu tố tâm linh phong thuỷ, còn nhiều yếu tố tích cực khác như sự khôi phục của nhu cầu tiêu dùng cùng hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Chuyên gia của công ty chứng khoán Mitsubishi UFJ Morgan Stanley dự báo chỉ số Nikkei 225 có thể vượt mốc 40.000 điểm vào năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!