Cuộc tháo chạy của các đối tác chủ chốt ảnh hưởng như thế nào đến dự án Libra?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ bảy, ngày 19/10/2019 10:39 GMT+7

VTV.vn - Tại buổi họp mới đây ở Geneva, Thụy Sĩ, nhiều đối tác chủ chốt đã quay lưng với dự án tiền Libra của Facebook.

Đây là giáng một đòn mạnh vào kế hoạch đầy tham vọng của Facebook trong việc phát hành đồng tiền điện tử có quy mô toàn cầu. Tháng trước, Hiệp hội Libra tiết lộ số lượng thành viên đứng sau dự án đồng tiền số cô đọng còn 28 công ty, thay vì con số 100 như hồi đầu Facebook công bố.

Tuy nhiên, chỉ trong hơn 1 tuần gần đây, danh sách này tiếp tục được thu hẹp lại. Nhiều cái tên "máu mặt" như PayPal, Visa, Mastercard, Stripe, eBay, Mercado Pago và mới đây là Booking Holdings đã dắt tay nhau rời bỏ hiệp hội này.

Quyết định ra đi lần này phần nào khiến cho Facebook và Hiệp hội Libra khá bất ngờ khi chỉ mấy tháng trước, các công ty này còn hào hứng với dự án có thể tiếp cận tới hàng tỉ khách hàng tiềm năng của Facebook. Ngay đến yêu cầu đóng góp khoản đầu tư 10 triệu USD của Facebook cũng dễ dàng được chấp nhận vào thời điểm đó.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mỗi thành viên Hiệp hội Libra ra đi không khác nào vết cứa vào tham vong tiền số của Facebook bởi các công ty này đều đóng một vai trò rất quan trọng cho dự án này.

Vai trò của các hãng thanh toán đối với Libra

Visa có 1,1 tỷ tài khoản khách hàng; Mastercard có hơn 900 triệu khách hàng và Paypal gần 290 triệu. Chỉ 3 cái tên trên với tổng cộng 2,3 tỷ tài khoản khách hàng trên phạm vi toàn cầu đã là quá đủ để đảm bảo cho uy tín của đồng tiền kỹ thuật số Libra. Chưa kể sự góp mặt của các tên tuổi khác trong ngành thanh toán như Stripe và Mercado Pago. Thế nhưng, sự đảm bảo đó giờ đã không còn nữa.

Những kẻ "đào ngũ" có lý do để làm vậy. Ngoài eBay và Bookings, số còn lại đều là các công ty thanh toán và phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về lừa đảo, rửa tiền và các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, chính phủ của nhiều nước nhận ra rằng Libra có thể khó đáp ứng các yêu cầu này. Giới chức Mỹ đã gửi đến các công ty như Visa, Mastercard và Stripe những thông điệp rất rõ ràng: Nếu tham gia dự án này, doanh nghiệp có thể sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan quản lý, không chỉ với các hoạt động liên quan đến đồng Libra, mà là tất cả các hoạt động thanh toán.

Theo The Verge, với việc Hiệp hội Libra giờ chỉ còn duy nhất 1 công ty thanh toán PayU, Facebook sẽ phải tự mình xử lý những vấn đề pháp lý liên quan đến giao dịch đồng USD cho Libra - điều mà hãng vốn có thể giao cho những đối tác nhiều kinh nghiệm hơn Visa hay Mastercard. Những khó khăn trở ngại về mặt pháp lý rất có thể sẽ khiến thêm nhiều thành viên khác của Hiệp hội cảm thấy nhụt chí.

Facebook từng tạo ra tiền kỹ thuật số Facebook Credits

Đây không phải là lần đầu Facebook lấn sân sang lĩnh vực tiền kỹ thuật số. Cách đây 10 năm, Facebook cũng tạo ra một loại tiền ảo Facebook Credits cho phép mọi người dùng mua các mặt hàng trên hệ thống của mạng xã hội này nhưng sau đó nhanh chóng thất bại.

Thời điểm đó, Facebook chỉ có giấy phép chuyển tiền tại 48 bang. Facebook không thể gia tăng thanh khoản, cũng như địa điểm chấp nhận loại tiền này. Một lần nữa, sự rút lui của các cổng thanh toán khiến nhiều người lo sợ liệu đồng Libra của Facebook có thể có đi vào vết xe đổ giống như Facebook Credits trước kia.

Khó khăn đang bủa vây Libra từ trong chính nội bộ đến áp lực phản đối từ bên ngoài lớn hơn bao giờ hết. Ngay tại quê nhà, từ người đứng đầu Chính phủ Mỹ là Tổng thống Donald Trump, cho đến phe Dân chủ và cả cơ quan quản lý độc lập như Cục dự trữ FED đều ngày càng "nóng mắt" với dự án này. Chưa kể, giới chức châu Âu còn cho dừng thời điểm phát hành của đồng tiền mới.

Theo chuyên trang công nghệ The Verge, thách thức vẫn là làm sao để chứng minh được phát hành đồng Libra sẽ không ảnh hưởng đến hệ thống tài chính toàn cầu. Đây sẽ là bài toán mà Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg phải giải đáp, trước mắt là trong phiên điều trần tại Mỹ.

Với những người ủng hộ tiền số, Libra chỉ coi là một bước lùi tạm thời vì tiền số được coi là một xu hướng trên thế giới. Ngay tại nước Mỹ, ngân hàng JP Morgan Chase cũng đã phát hành đồng tiền kỹ thuật số có tên JPM Coin. Theo trang CNBC, đây là đồng tiền số đầu tiên được hậu thuẫn bởi một nhà băng hàng đầu tại nền kinh tế số 1 thế giới.

Hay Walmart, Chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng đầu nước này, cũng đang trong tiến trình phát hành đồng tiền kỹ thuật số riêng, có thể đóng vai trò tương tự một thẻ giao dịch và được chốt bằng đồng USD. Không chỉ tại Mỹ, mà xu hướng này còn mở rộng tại nhiều nước trên thế giới.

Libra đối mặt với rào cản mới từ các quốc gia G7 Libra đối mặt với rào cản mới từ các quốc gia G7

VTV.vn - Báo cáo của G7 khuyến cáo những dự án như đồng Libra có thể sẽ tạo ra những thử thách trong việc chống lại nạn rửa tiền xuyên biên giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước